Ngày 10/10/2021, sau khi kiểm tra ảnh hưởng trong sản xuất nông nghiệp do cơn bão số 7 đã gây mưa, gió. UBND huyện có văn bản chỉ đạo khẩn trương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khắc phục hậu quả mưa bão, nội dung như sau:
1. Đối với UBND các xã, thị trấn
Chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân một số biện pháp sau:
a) Đối với diện tích lúa:
+ Đối với trà lúa mùa trung đang thu hoạch cần chỉ đạo nông dân bằng mọi biện pháp tập trung nhân lực, phương tiện thu hoạch khẩn trương diện tích lúa mùa trung (không để lúa ngập trong nước có thể mọc mầm, làm giảm chất lượng gạo).
+ Đối với trà lúa mùa muộn đang trỗ và trỗ thoát bị đổ: chỉ đạo tháo gạn nước đảm bảo cây lúa không bị rạp trên mặt nước.
b) Đối với diện tích cây mầu:
+ Khẩn trương thu hoạch sản phẩm ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch hoặc tận thu ở ruộng bị hại nặng.
+ Tháo nước nhanh, kịp thời, khơi thông dòng chảy, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ.
+ Với ruộng ngập thời gian ngắn và cây rau còn nhỏ sau khi nước thoát có khả năng phục hồi cần phun các loại thuốc phòng trừ nấm hại như: Anvil, Ridomil, Oxyclorua đồng…để phòng trừ nấm lở cổ rễ; kết hợp chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân…sau 3-5 ngày có thể bón bổ sung, bón thêm phân NPK,....khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh phục hồi.
+ Đối với những diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng cho thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau nhanh cho thị trường lúc giáp vụ, tăng thu nhập cho nông dân.
c) Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản:
Chỉ đạo nông dân kiểm tra, củng cố bờ vùng, bờ ao; kiểm tra cống, kênh mương tiêu thoát nước, chuẩn bị các điều kiện bơm thoát nước đầy đủ; chuẩn bị lưới chắn…đảm bảo không thất thoát cá và các đối tượng nuôi thủy sản khác khi mưa lớn gây tràn ao. Đối với diện tích cá nuôi lồng tuyên truyền, hướng dẫn đến từng hộ nuôi cá lồng không lơ là chủ quan, kiểm tra ngay toàn bộ hệ thống lồng nuôi cá. Tăng cường dây neo giữ, cố định các lồng nuôi, bổ sung phao nổi, có lưới bảo vệ lồng, không cho cá ăn trong những ngày có mưa to, gió lớn. Chủ động phương án có lũ lớn và nước sông dâng cao để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
2. Đối với các cơ quan liên quan
- Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện: Bố trí cán bộ trực 24/24 tại các trạm bơm, phối hợp với UBND các xã, thị trấn vớt bèo và khơi thông dòng chảy đảm bảo bơm tiêu thoát nước khi có mưa lớn gây ngập úng.
- Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ tăng cường xuống cơ sở đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa, gió gây ra; tham mưu văn bản hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc cây trồng sau mưa bão cụ thể để giảm thiệt hại cho nông dân.
- Đài Phát thanh huyện tập trung phát sóng, tuyên truyền, chỉ đạo đài truyền thanh các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến cáo nông dân các biện pháp khắc phục cũng như các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa muộn và cây mầu vụ đông.
- Điện lực Kim Thành chủ động ưu tiên cung cấp nguồn điện để phục vụ công tác tiêu úng và để bơm nước điều tiết phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đề nghị các đồng chí Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm, Huyện ủy viên phụ trách xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo tốt công tác phòng, chống ngập úng do mưa bão gây ra tại địa phương phụ trách./.
Đ/c Phạm Viết Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Thành kiểm tra công trình cống qua đê tại xã Tam Kỳ