Hiện nay số người mắc bệnh Sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Kim Thành đang gia tăng, lũy tích từ đầu năm đến ngày 25/9/2023 có 45 ca bệnh, đặc biệt 25/9/2023 có 06 ca mắc mới. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy với mục tiêu: “Không có bọ gậy, không có loăng quăng, không có Sốt xuất huyết và phòng muỗi đốt.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết Ủy ban nhân dân huyện Kim Thành đã ban hành Công văn số 2625/UBND-PYT ngày 25/9/2023 Về việc tăng cường phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue. Theo đó, UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc một số nội dung:
* Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhằm thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết. Thực hiện các hành động cụ thể để diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chânchạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh... Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng (xô, chậu,
chai lọ…), để không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.
* Đài phát thanh huyện: Thường xuyên cập nhật tin tức, chủ động viết bài tuyên truyền trên Đài phát thanh huyện và kết hợp trên các nền tảng xã hội khác. Đài truyền thanh các xã tiếp âm phát sóng, để nhân dân được biết tính chất nguy hiểm của dịch bệnh Sốt xuất huyết, các biện pháp phòng, chống, những biểu hiện thường gặp của bệnh Sốt xuất huyết, chủ động đến các cơ sở khám phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.
*Trung tâm Y tế huyện:
- Tăng cường công tác tuyền thông, hướng dẫn người dân chủ động, tự giác thực hiện phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, nếu có dấu hiệu sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, phát ban… nghi ngờ mắc bệnh Sốt xuất huyết đến ngay Trạm y tế xã, thị trấn, để được khám, hướng dẫn và xử lý kịp thời, không được tự ý dùng thuốc.
- Phối hợp với UBND các xã dự trù đủ hóa chất diệt côn trùng, hướng dẫn các địa phương kỹ thuật pha và phun hóa chất đảm bảo đúng quy định.
- Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện, trang thiết bị y tế và giường bệnh để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm; đảm bảo quy trình tiếp nhận, khám sàng lọc, thu dung và phân tuyến điều trị bệnh nhân hợp lí, chuyển tuyến kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do dịch.
- Phối hợp với UBND các xã, thị trấn, tổ chức điều tra, giám sát dịch tễ trường hợp nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm, các trường hợp nghi nhiễm theo dõi sức khỏe người bệnh, người nhà người bệnh, nhằm phát hiện sớm các trưởng hợp Sốt xuất huyết để cấp cứu, điều trị kịp thời.
* Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện: Chỉ đạo các trường học tổng vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự phát triển của loăng quăng, bọ gậy, tránh muỗi đốt. Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn cha mẹ học sinh, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, thực hiện theo dõi sức khỏe học sinh, thông báo kịp thời tình trạng sức khỏe học sinh, nếu có dấu hiệu sốt, phát ban…. để đưa trẻ đến trạm y tế xã, thị trấn khám và điều trị kịp thời.
* Các Trường Phổ thông trung học, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên: thực hiện tốt công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết; tổng vệ sinh môi trường trong khu vực nhà trường; theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời tình trạng sức khỏe học sinh, hướng dẫn trường hợp có dấu hiệu sốt, phát ban….đến trạm y tế xã, thị trấn khám và điều trị kịp thời.
* Ban chỉ đao phòng, chống dịch của huyện triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn huyện. Thành viên BCĐ tăng cường bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình diễn biến và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn phụ trách.
* UBND các xã, thị trấn:
- UBND các xã, thị trấn, chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể, các thôn, trường học, tổ chức triển khai mạnh mẽ chiến dịch vệ sinh đường làng, ngõ xóm hàng tuần, vệ sinh môi trường1 tuần/1 lần, thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, diệt trừ muỗi, bọ gậy, lăng quăng, che đậy kín khu vực trữ nước, thay nước, thả cá vào trong chậu hoa, cây cảnh, lật úp xô, lọ, chai cũ và ngủ màn, mặc áo dài tay… và triển khai các biện pháp chủ động phun hóa chất, phun thuốc muỗi.
- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, những biểu hiện thường gặp, biện pháp xử lý khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm, đặc biệt là các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết ngay khi chưa xuất hiện dịch.
- Phối hợp Trung tâm y tế chỉ đạo Trạm y tế khám chữa bệnh, tư vấn trực tiếp đối với bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Trạm y tế về các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH. Chỉ đạo nhân viên y tế thôn, các tình nguyện viên y tế, tổ chức giám sát phát hiện sớm ca bệnh, hạn chế thấp nhất mức độ lây lan trong cộng đồng.
- Phối hợp và tổ chức điều tra, giám sát chỉ số véc tơ truyền bệnh SXH, những điểm nóng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, đặc biệt là các ổ dịch cũ, phát hiện sớm các ca mắc, nghi mắc SXH; cách ly, quản lý và phun hóa chất, xử lý ổ dịch.
* Các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện tích cực tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch Sốt xuất huyết.
Tổng hợp: Văn phòng HĐND và UBND huyện