a. Lịch sử hình thành Dưới thời phong kiến, địa bàn xã Kim Tân gồm bốn làng là: Làng Nành, làng Nổ, làng Gạo, làng Rong, thuộc tổng Phù Tải, phủ huyện Kim Thành.
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, bốn làng được hợp nhất thành một xã lấy tên là xã Tân Dân. Năm 1956, thực hiện cải cách ruộng đất, đội cải cách ruộng đất đổi tên xã Tân Dân thành xã Kim Tân. Hiện nay Kim Tân là một trong 7 xã của khu C huyện Kim Thành.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân xã Kim Tân đã trải qua chặng đường lịch sử đầy gian lao thử thách, nhưng cũng giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế xã Kim Tân đã đóng góp sức người, sức của cùng nhân dân cả nước đánh thắng hai đế quốc sừng sỏ nhất thế giới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ Quốc.
Với tinh thần lao động cần cù, chịu khó, nhân dân đã tích cực tham gia đào mương, khai hoang phục hoá, làm thuỷ lợi, đắp đê ngăn lũ chống thiên tai, bão lụt. Chính vì vậy mà nhân dân xã Kim Tân đã cấy được hai vụ lúa cho năng suất cao. Ngoài ra, nhân dân còn trồng nhiều cây màu như: củ đậu, bắp cải, su hào, rau các loại…cho thu nhập khá, Bên cạnh đó, các ngành nghề thủ công nghiệp và dịch vụ cũng phát triển khá mạnh, hầu hết lực lượng lao động trẻ tại địa phương làm việc trong các khu công nghiệp ở Hải Phòng, Hải Dương có thu nhập ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng đáp ứng công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước.
b. Điều kiện tự nhiên, xã hội:
Diện tích đất tự nhiên của xã là 8,6km2, với dân số 8435 người, mật độ dân số trung bình 981 người/km2. Phía Đông Nam của huỵên Kim Thành có trục đường huyện lộ 166 nối từ trục đường 388 thuộc địa phận xã Kim Đính chạy dọc theo địa bàn xã từ phía Tây về phía Đông sang huyện An Dương thành phố Hải Phòng; Phía Bắc giáp xã Kim Lương, Kim Khê, Kim Anh huyện Kim Thành, phía Tây giáp xã Ngũ Phúc, Kim Đính, Bình Dân, huyện Kim Thành, phía Đông giáp xã Lê Thiện, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, phía Nam giáp xã Cẩm La, xã An Hoà (huyện An Dương- Hải Phòng), địa bàn xã kéo dài hơn 5 km bốn bề là sông bao bọc bởi hệ thống An Kim hải và sông Sái, sông Chẩu hàng năm được bồi đắp thêm phù sa cho đồng ruộng.
c. Tiềm năng phát triển kinh tế và những thành tựu nổi bật
Là một xã thuần nông chuyên trồng rau màu, có tuyến đường huyện nối liền với xã Lê Thiện, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng nên Kim Tân có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, đây là thị trường tiêu thụ nông sản lớn cho xã và là nơi tạo công ăn việc làm trong các khu công nghiệp cho nhiều lao động của địa phương.
Lực lượng lao động của xã cũng khá dồi dào với hơn 4.500 lao động, trong đó hơn 1.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp ở Hải Phòng. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng phát triển khá mạnh với đa dạng các ngành nghề như: cơ khí, mộc dân dụng, may mặc, kinh doanh tạp hóa, ga, thức ăn chăn nuôi, buôn bán nhỏ, hiện có 02 công ty chế biến nông sản, công ty sản xuất giầy da, một trại chăn nuôi gà, có 45 hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp và 218 hộ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.
Hiện nay, xã Kim Tân đã có một diện mạo mới, xã đã đầu tư xây dựng và công trình phúc lợi xã hội, khang trang sạch đẹp. Hệ thống đường giao thông nông thôn trong xã được bê tông hoá đạt 98%. Xã đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế năm 2007, trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào năm 2014. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước (năm 2010 là 12,5%; năm 2011 là 14,5%; năm 2012 là 16,5%; năm 2013 là 18,5%), thu nhập bình quân dầu người cũng được nâng lên (năm 2010 là 9,6 triệu đồng/người/năm; năm 2011 là 12.5 triệu đồng/ người/năm; năm 2012 là 14.5 triệu đồng/người/năm; năm 2013 là 16.5 triệu đồng/người/năm). Toàn xã đã hoàn thành việc xoá nhà tranh tre, vách đất, không còn hộ đói, số hộ khá, hộ giàu tăng, hộ nghèo giảm còn 6,99%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, các phong trào văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển. Xã có 01 di tích lịch sử xếp hạng cấp Quốc gia là Tháp đá cửu phẩm Liên Hoa, Chùa Khánh Quang và 01 di tích xếp hạng cấp tỉnh là Chùa Diên Khánh. Xã đang phấn đấu đến năm 2020 đạt các tiêu chí về nông thôn mới. Đảng bộ và chính quyền xã nhiều năm liền đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh” và “lao động tiên tiến”.
d. Đơn vị hành chính: Địa bàn xã được chia làm 4 thôn: Hải Ninh, Viên Chử, Thiên Đông, Thiên Xuân với 18 đội sản xuất, trong đó:
+ Thôn Hải Ninh có 5 đội: Từ đội 1 đến đội 5.
+ Thôn Viên Chử có 6 đội: Từ đội 6 đến đội 10 và đội 18.
+ Thôn Thiên Đông có 3 đội: Từ đội 11 đến đội 13.
+ Thôn Thiên Xuân có 4 đội: Từ đội 14 đến đội 17
- Trụ sở làm việc của xã đặt ở thôn Viên Chử, cạnh trục đường huyện lộ 166.