Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình lịch sử cách mạng và di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Di tích Đền- Chùa Kim Lộc, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành

Di tích Đền- Chùa Kim Lộc, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành.
​1. Thông tin chung về di tích
Cụm di tích Đền - Chùa Kim Lộc nằm ở trung tâm khu dân cư Đồng Văn thuộc thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Cụm di tích gồm: Đền Kim Lộc (còn gọi là Đền Tru) và Chùa Kim Lộc ( còn gọi là Kim Lộc tự).
Cụm di tích Đền - Chùa Kim Lộc được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CM 050998 ngày 01/6/2018 tại thửa đất số 130, tờ bản đồ số 23 với tổng diện tích đất sử dụng là 1.203,7 m2.
Cụm di tích Đền - Chùa Kim Lộc được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 430/QĐ-UBND, ngày 25/01/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.
Khi du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh cụm di tích Đền - Chùa Kim Lộc theo Quốc lộ 5A hướng Hà Nội - Hải Phòng đến Ngã tư gác ghi thị trấn Phú Thái rẽ phải đi theo đường 20/9 vào trung tâm thị trấn Phú Thái, đi tiếp khoảng 500m về hướng Đông Nam là đến khu dân cư Đồng Văn, nơi có cụm di tích Đền - Chùa Kim Lộc.
2. Lịch sử di tích
Cụm di tích Đền - Chùa Kim Lộc tôn thờ Thành Hoàng làng là Phạm Cảnh Lương, Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1469), người có công giúp vua Lê Thánh Tông đánh thắng quân Chiêm Thành ở đất Quảng Nam được phong Thiếu Bảo Liên Khê Hầu và bà Phạm Thị Quý, Quỳnh Phương Tiên Phi công chúa (hay còn gọi là bà Chúa), chị gái của tiến sĩ Phạm Cảnh Lương.
Năm 1945, Đền - Chùa Kim Lộc là địa điểm thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của làng; nơi hội họp, huấn luyện của đội quân du kích tự vệ xã Kim Anh; nơi hoạt động cách mạng của du kích làng Bất Nạo. Năm 1947-1950, di tích bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn.
​3. Kiến trúc xây dựng và nhân vật được thờ
 * Đền Kim Lộc:  Xưa kia là một miếu nhỏ thờ tượng tiến sĩ Phạm Cảnh Lương và bài vị bà Phạm Thị Quý. Đền quay về hướng Tây và có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 03 gian Tiền tế và 02 gian Hậu cung, được làm từ gỗ tứ thiết.

Đền Kim Lộc (Đền Tru) khu dân cư Đồng Văn,
thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

Năm 1997, Đền được phục dựng với kiến trúc kiểu chữ Nhất (-) gồm 03 gian với chiều dài 7,8m, chiều rộng 3,7m, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, chất liệu bằng xi măng cốt thép, mái lợp proximăng. Hiện nay, trong khuôn viên Đền còn 01 gian thờ Mẫu.
* Chùa Kim Lộc: Trước cách mạng tháng Tám, Chùa Kim Lộc được xem là ngôi chùa có cảnh quan đẹp và quy mô lớn trong vùng. Chùa quay về hướng Tây, có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 05 gian tiền đường và 03 gian thượng điện, chất liệu bằng gỗ. Năm 1997, chính quyền và các cụ cao niên có kinh nghiệm trong làng đã mua toàn bộ phần kết cấu kiến trúc bằng gỗ của một nhà thờ họ thuộc huyện Thanh Hà về để phục dựng chùa, trên nền đất cũ. Diện tích Chùa đã bị thu hẹp, cảnh quan có nhiều thay đổi, song Chùa Kim Lộc vẫn giữ nguyên được nét trang nghiêm, cổ kính, kết cấu mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn.
Tòa Tiền đường xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bổ trụ. Bờ nóc, bờ dải được xây gạch, đắp vữa. Ở giữa bờ nóc đắp một biển tự ghi ba chữ Hán: “Kim Lộc Tự". Phía trước cửa hai bên là trụ lồng đèn. Mái lợp ngói mũi hài, móng tường xây bằng gạch vững chắc. Tòa Thượng điện kiến trúc kiểu giá chiêng, các vì nách làm theo kiểu chồng rường.
Toàn bộ nền nhà Tiền đường và Thượng điện được lát gạch hoa sạch sẽ, bàn thờ được xây gạch theo kiểu dật cấp làm nơi bài trí các pho tượng. Cửa ra vào làm theo kiểu cửa bức bàn gồm 03 bộ chất liệu gỗ sơn màu đỏ nâu.

Chùa Kim Lộc (Kim Lộc Tự) khu dân cư Đồng Văn,
thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

Ngoài ra, trong khuôn viên di tích còn một số hạng mục công trình như: nhà tổ (được xây dựng lại năm 2010) gồm 5 gian được xây dựng bằng chất liệu xi măng cốt thép; 02 mộ tháp niên đại thời Nguyễn, được xây bằng chất liệu gạch vỉ, có bia nhỏ ghi tên hiệu và ngày hóa của sự trụ trì (Tháp gồm 3 tầng: tầng trên cùng trang trí cánh sen, vân mây. Mộ tháp còn khá tốt. Trong mỗi mộ tháp có một bia nhỏ ghi tên hiệu và ngày hóa của sư trụ trì); giếng, hệ thống sân vườn và công trình phụ trợ,…
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều hiện vật tại di tích đã bị mất mát, hư hỏng. Hiện tại, cụm di tích còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị như tượng thờ tiến sĩ Phạm Cảnh Lương do Nhân dân mới công đức năm 2000; ngai và bài vị thờ bà Phạm Thị Quý; 02 tấm bia đá gốc chữ Hán có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa; 12 pho tượng Phật; 02 pho tượng Đức Ông và Đức Thành Hiền; 01 toà Cửu Long,…

Mộ tháp niên đại thời Nguyễn thuộc cụm di tích Đền - Chùa Kim Lộc,
khu dân cư Đồng Văn, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương
4. Tổ chức lễ hội
Lễ hội truyền thống của khu dân cư Đồng Văn hiện nay nói chung và cụm di tích Đền - Chùa Kim Lộc nói riêng nằm trong lễ hội truyền thống của cả một quần thể di tích gồm đình, chùa, đền, miếu thuộc làng Bất Nạo cũ (gồm cả thị trấn Phú Thái và xã Kim Anh) với nhiều nghi thức, nghi lễ trang trọng và là một trong những lễ hội lớn tiêu biểu của dân cư nơi đây.
Lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 8 và mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm (chính hội là ngày mồng 9). Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, di tích bị phá hủy hoàn toàn, lễ hội truyền thống vì thế cũng bị gián đoạn. Năm 1997, sau khi cụm di tích Đền - Chùa Kim Lộc được tôn tạo lại, lễ hội truyền thống từng bước được phục dựng, nhưng thời gian rút ngắn còn 02 ngày (ngày 05 và 06 tháng Giêng) để phù hợp với việc lao động, sản xuất của số đông người dân trong khu dân cư.
Trong lễ hội có lễ cáo yết, lễ tế, lễ tạ cầu an; các chương trình văn nghệ diễn lại các tích chèo cổ như Quan Âm Thị Kính, Phạm Công Cúc Hoa, hát chèo,… và các trò chơi dân gian sôi nổi, náo nhiệt như cờ tường, cờ người, chọi gà,…