Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình lịch sử cách mạng và di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Di tích Đình Đồng, xã Đồng Cẩm, huyện Kim Thành

Di tích Đình Đồng, xã Đồng Cẩm, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

 1. Thông tin chung về di tích
Đình Đồng trước kia gọi là Đình Đồng Xá gọi theo tên thôn Đồng Xá (nay được đổi tên gọi là Đình Đồng)
Đình Đồng, xã Đồng Cẩm tọa lạc tại trung tâm thôn Đồng xá (nay là thôn Đồng xá Bắc), xã Đồng Cẩm, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Đi từ trung tâm huyện theo đường Quốc lộ 17B khoảng 11 km đến trường THPT Đồng Gia, rẽ phải đi tiếp khoảng 500m là đến đình. Đình hiện có diện tích sử dụng là 1.313 m2.
 Đình Đồng, xã Đồng Cẩm được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 3159/QĐ-UBND ngày 22/11/2010.
2. Lịch sử di tích và các nhân vật được thờ
Căn cứ vào tài liệu như sắc phong, câu đối, đại tự, thần tích; căn cứ các công trình kiến trúc và lưu truyền trong nhân dân cho biết: Đình Đồng được nhân dân địa phương khởi dựng vào cuối thế kỷ thứ XIX thuộc Triều Nguyễn, Đình Đồng cũ có 5 gian bằng gỗ lim, lợp ngói ta, nằm ngay trên khuôn viên của ngôi đình. Hiện tại, trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử và mưa nắng, thời gian Đình Đồng đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1936 Lý Trưởng Bùi Thế Siêu đứng ra huy động tiền của và nhân lực của nhân dân địa phương để xây dựng lại đình đến năm 1942 thì xong. Năm 1956, hậu cung bị phá dỡ. Năm 1999 nhân dân lại khôi phục hậu cung. Đình Đồng hiện nay là kết quả của quá trình xây dựng này.
  
Vọng cung thờ Thần Thành Hoàng

Đình Đồng là di tích lịch sử-văn hoá tôn thờ Thành Hoàng làng Đào Công Nhã người có công giúp nhà Trần đánh giặc Nguyên-Mông ở thế kỷ thứ XIII thân thế và sự nghiệp của ông được ghi chép trong thần phả do Nguyễn Bính viết năm Hồng Phúc Nguyên viên 1572. Ngoài ra Đình Đồng còn thờ 5 vị Thiên Thần theo tín ngưỡng dân gian tương truyền là 5 vị thần này có công phù giúp ông Đào Nhã đánh giặc. Sự kiện này có thể tóm tắt như sau:
 Dưới triều vua Trần Nhân Tông (1279-1293) ở đạo Kinh Bắc, xưa gọi là quận Vũ Linh, phủ Thuận An, huyện Quế Dương, trang Thịnh Liệt có một gia đình họ Đào, tên húy là Hùng, tiên tổ đều được vua phong chức tước, kết duyên cùng với người cùng quận là Vương Thị Tuân. Hai người sống với nhau thuận hòa, lấy nghề làm thuốc để sinh sống, tu nhân, tích đức. Sau đó, họ sinh hạ được một cậu con trai khôi ngô tuấn tú đặt tên con là Nhã. 3 tuổi cậu biết nói, biết điều lễ nghĩa, biết kính trên nhường dưới, đến năm 7 tuổi cậu được cha mẹ cho đi học, đến năm 9 tuổi thì cha mẹ đều qua đời. Năm 16 tuổi, cậu đã là một chàng trai khỏe mạnh, học lực tinh thông, chăm lo kinh thư, năng rèn võ lược, được người đương thời đều tôn là bậc thần đồng.
Lúc bấy giờ, giặc Ô Mã Nhi, Phàn tiếp dẫn thủy lục quân sang xâm chiếm nước ta, tình thế cấp bách vua sai đình thần đi khắp nơi tìm người tài giúp nước, khi đó Trần Quốc Tuấn đã tiến cử Đào Nhã với vua, Nhà vua nghe tin rất mừng cho đi gọi Nhã Công đến phong làm “Thống chế thủy đậu tướng quân" và sai đem quân đi tuần phòng hai đạo Đông và Bắc. Nhận được chiếu chỉ của nhà vua, ông cùng binh sĩ, xếp thành đội ngũ quyết chiến hùng mạnh tiến về phía Đông-Bắc. Khi đến địa phận Hải Dương trời vừa tối ông cho quân đóng tại trang Đồng Xá, xã Lạc Thiện (thôn Lạc Thiện xã Liên Hoà ngày nay) thuộc tổng Phí Gia. Ông sai quân dựng một đồn lớn tại trang Đồng Xá để chống quân Nguyên và củng cố đội ngũ. Sau đó ông nhận khẩu lệnh của Trần Quốc Tuấn, kết hợp với cánh quân khác đánh trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng. Do thế trận thuận lợi và tài chỉ huy thao lược của tướng quân Đào Công Nhã cùng với ý chí quyết chiến quyết thắng của quân đội nhà Trần, trận Bạch Đằng Giang quân ta đã toàn thắng quân Nguyên tan tác tháo chạy thục mạng. Nhà Trần đã lập được chiến công vang dội, thu giang sơn về một mối, đất nước ta trở lại thanh bình.
Tương truyền khi Đào công Nhã đóng quân ở trang Đồng Xá, vào lúc canh ba có 5 vị Thiên Thần giúp ông đánh giặc đó là các thần: Đại la chi thần (Húy viên),  Xích thổ xích đế chí thần (Húy Khải), Quảng hóa cư sĩ (Húy Hóa), Lang Trung gia hóa chi thần (Húy Chương), Đàm Vĩnh phán quan Chi thần (Húy Đô).
Đất nước sạch bóng quân Nguyên-Mông, Vua hạ chiếu mời các tướng lĩnh có công về triều mở yến tiệc. Đào Nhã phụng chiếu hồi Triều bằng đường thủy lúc thuyền vừa ra khỏi sông Bạch Đằng về trung lưu lúc gió to, mưa lớn, nước chảy xiết không may bị đắm thuyền và ông mất tại đó. Nhận được tin ông qua đời, vua Trần vô cùng thương tiếc, cảm kích công lao của ông, sai người mai táng quốc tự và dựng miếu phụng thờ, đồng thời ban phong mỹ tự là “Nhã công Linh ứng Đại Vương", tặng phong là “Đương Cảnh Thành Hoàng", giúp vua giữ nước, bảo vệ dân, xứng đáng là Trung đẳng thần. Ngoài ra vua còn ban phong cho 5 vị Thiên Thần phù giúp Đào Nhã đánh giặc là Hạ đẳng thần.
Từ năm 1947, Đình Đồng còn phối thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vì lý do: Theo hai cụ Nguyễn Ngọc Luỹ, Nguyễn Đăng Khoát (đã mất), trước đây đã từng kể lại: trong thôn có gia đình cụ Nguyễn Đăng Lã là một gia đình khá giả, có điện thờ Trần Hưng Đạo. Khi cụ sắp qua đời, chuyển tượng cho người em rể là cụ Nguyễn Ngọc Tồn tiếp tục lập điện thờ và duy trì việc thờ cúng. Đến năm 1947, do gặp nhiều khó khăn, giặc giã, gia đình đã cung tiến tượng Trần Hưng Đạo vào đình để nhân dân thờ phụng. Nhưng do chiến tranh, pho tượng này phải chuyển lên thờ tại chùa Đồng, cùng với các đồ thờ tự của Thành Hoàng Đào Nhã.
Đến năm 1999 sau khi đình Đồng được trùng tu khôi phục Đảng bộ chính quyền và nhân dân đã tổ chức rước Thành Hoàng Đào Nhã và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từ chùa Đồng trở về Đình Đồng để nhân dân phụng thờ hương khói theo truyền thống xa xưa, thành lập Ban quản lý đình trông coi mở cửa để bà con dâng hương tuần rằm.
Đình Đồng không chỉ là nơi thờ các Thành Hoàng làng, mà trong hai cuộc kháng chiến tại đây còn diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương: Ngày 22/8/1945 tại đây Uỷ ban Cách mạng lâm thời được thành lập. Ngày 06/01/1946 tại đình diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khoá I. Đồng thời cũng thời điểm đó hội nghị hiệp thương giữa hai làng Đồng Xá và Phí Gia thống nhất lấy tên xã là Đồng Gia. Ngày 10/02/1947 thực dân Pháp đóng quân tại đình để càn quét và đốt phá các đồ thờ tự của đình. Ngày 02/8/1947 địch dùng đình làng là nơi tập trung thanh niên, thực chất là quản thúc không cho lực lượng này tham gia cách mạng. Sau này miền Bắc giải phóng và thống nhất đất nước năm 1975 đình còn là trụ sở làm việc của Đảng, chính quyền địa phương, nơi học tập của con em xã nhà…
3. Kiến trúc xây dựng và các di vật cổ
Kiến trúc Đình Đồng được coi là một trong những đình làng tiêu biểu cho kiến trúc đình làng Bắc bộ, Đình Đồng có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), bao gồm 5 gian Đại bái và 2 gian Hậu cung. Công trình có kết cấu kiểu thu hồi bít đốc khá đơn giản. Gian Đại bái rất rộng, mái lợp ngói, kiểu bốn mái xòe rộng ra ôm lấy đất. Công trình 2 gian đầu nhô ra, 3 gian giữa thu vào, hiên của 3 gian này khá rộng. Kết cấu chính của toà nhà này là 4 vì kèo và hệ thống tường chịu lực. Các vì kèo khá đơn giản, bởi toàn bộ kết cấu là các cột gạch vì kèo cuốn vòm cùng chất liệu này. Toàn bộ các chi tiết của vì kèo đều được thau bằng gạch cuốn. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, các cột vì kèo và các bức tưởng khá cao. Hoành rui bằng gỗ tứ thiết, mái lợp ngói, mái đình không nặng nề nhờ bốn đầu mái đao được tạo hình cong vút lên như nâng cho mái đình bay bổng. Kiểu mái này cũng chính là đặc điểm nổi bật của kiến trúc đình làng Việt Nam, mang đậm dấu ấn văn hoá độc đáo và tiêu biểu cho điêu khắc truyền thống. Sân đình lát gạch, trước đình có hai cột đồng trụ cao vút, trên đình có một con nghê. Gian giữa có hương án thờ vị thần của làng. Chiếc trống cái được đặt trong đình để vang lên theo nhịp trống ngũ liên thúc giục người dân về đình tụ tập để bàn tính công việc của làng, của nước.
Trước đây, di tích lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị nhưng trải qua chiến tranh và thời gian nhiều hiện vật đã bị mất mát, hư hỏng hiện nay còn một số hiện vật thuộc các chất liệu:  Đồ chất liệu gỗ: 2 hòm đựng sắc thời Nguyễn, 1 Ngai thờ thời Nguyễn, 1 mâm bồng thời Nguyễn, 1 bức Đại tự thời Nguyễn, 1 cửa võng thời Nguyễn, 1 khám thờ thời Nguyễn, 1 cỗ đòn bát cống (mới), 1 bộ bát biểu (mới), 1 nhan áng (mới), 2 đôi câu đối (mới) và nhiều đồ thờ tự mới do nhân dân sắm và công đức.  Đồ chất liệu gốm: 1 bát hương thời Nguyễn, một số lộc bình, lọ hoa, bát, đĩa và các đồ thờ khác…Đồ chất liệu kim loại còn: 1 mâm đồng thời Nguyễn và một số đồ thờ tự do nhân dân sắm và công đức. Chất liệu giấy:  hiện nay còn lưu giữ 4 đạo sắc phong.
4. Phong tục lễ hội
Ngoài các ngày sóc, vọng và các sự lệ trong năm, tại di tích diễn ra 2 kỳ lễ hội: Lễ hội kỷ niệm ngày sinh Thần vào mùng 9 tháng Giêng âm lịch và lễ hội kỷ niệm ngày hoá Thần vào ngày 18 tháng 10 âm lịch. Trong 2 kỳ lễ hội đó, dưới thời phong kiến, lễ hội kỷ niệm ngày sinh Thần là lễ hội lớn nhất trong năm diễn ra trong 3 ngày từ ngày 09 đến ngày 11 tháng Giêng âm lịch. Từ ngày 9 Nhân dân tổ chức vệ sinh hương án, đồ thờ tự, dụng cụ rước thần và dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ để tổ chức lễ hội. Đồng thời hai giáp chuẩn bị mổ lợn, giã bánh dầy và chuẩn bị lễ vật cho việc cúng thánh vào ngày hôm sau.  
Buổi sáng ngày 10, dân làng tổ chức rước kiệu từ đình lên sân chùa Đồng làm lễ, sau đó rước kiệu ra giếng Đồng (ở trung tâm thị tứ bây giờ) rước nước về đình để cúng cả năm. Sau khi rước và yên vị tại đình là đến phần nghi thức tế lễ. Các chức sắc trong làng được vào dự tế. Theo quy định của làng, người được vào dự tế phải trai khiết, mặc áo, đội mũ, đi hia hài và nét mặt phải trang nghiêm. Cung kính lễ vật tế thần do hai giáp sắm là lợn cả con hoặc sỏ lợn, bánh dầy, rượu, trầu cau, hương đăng, hoa quả …dâng cúng Thành Hoàng làng. Tế xong lộc được biếu cho các vị chức sắc, số còn lại chia cho các xuất đinh ở các giáp hưởng thụ. Buổi chiều các gia đình tiếp tục làm lễ. Về phần hội trong suốt 3 ngày từ mồng 9 đến 11 tháng giêng diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: cầu thùm, bịt mắt bắt dê, bắt vịt, chọi gà, đấu vật...buổi tối có hát chèo, hát ca trù, hát tuồng cổ… Ngày 11, tiếp tục tế lễ, buổi chiều có tế tạ đóng cửa đình và kết thúc lễ hội. 
Lễ hội kỷ niệm ngày hoá Thần thường được tổ chức nhỏ hơn, tuy nhiên có năm được mùa, lễ hội này cũng được tổ chức có quy mô lớn, nghi thức vẫn như lễ hội tháng Giêng và thời gian vẫn kéo dài trong 3 ngày từ 17 đến 19 tháng 10 âm lịch.
Khi chiến tranh xảy ra đình bị tàn phá nên lễ hội làng hàng năm không duy trì. Từ năm 1999 đến nay Đình Đồng được trùng tu và lễ hội được khôi phục và diễn ra vào hai ngày mùng 09 mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu quanh làng đến cổng nhà thờ Thiên chúa, sang Chùa Đồng, Chùa Bùi, sau đó lại rước về đình tế lễ, tổ chức các hoạt động Lễ hội. Tế tạ vào chiều mồng 10 và đóng cửa đình kết thúc lễ hội 2 ngày. Cùng với tế lễ, tại đây còn diễn ra một số trò chơi như đánh cờ, bóng bàn…, buổi tối có biểu diễn văn nghệ, diễn các tích tuồng dân gian… tuy nhiên hình thức đơn giản và thời gian diễn ra lễ hội ngắn hơn xưa, nhưng sự phục hồi lễ hội truyền thống là tín hiệu tốt đẹp trong sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương, đó là văn hoá phi vật thể cần được trân trọng và giữ gìn.