Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình lịch sử cách mạng và di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Di tích Đình Giải, xã Kim Đính, huyện Kim Thành

Di tích Đình Giải, xã Kim Đính, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Đình Giải, xã Kim Đính được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 3716/QĐ-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2009.

Toàn cảnh Đình Giải
          1. Tên gọi và vị trí địa lý toạ lạc
         Theo tư liệu của đình, xưa kia làng Phù Tải có 4 Thôn. Thôn Đò có Đình Đò, thôn Giải có Đình Giải còn gọi là Đình Cả, thôn Giổ có Đình Giổ, thôn Kênh có Đình Kênh. Tên Đình Giải là tên được gọi theo tên của thôn Giải.
          Di tích lịch sử Đình Giải nằm ở thôn Phù Tải 2, xã Kim Đính, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Từ trung tâm huyện đi theo đường Quốc lộ 17B đến UBND xã Kim Đính, rẽ phải vào thôn Phù Tải 2, đi thẳng 30 m đến ngã ba, rẽ phải theo đường liên thôn 700 m là đến di tích Đình Giải.
          2. Lịch sử di tích và nhân vật được thờ
Đình Giải được xây dựng từ thời Tự Đức thứ 10 (1877) Đình Giải được chuyển đến vùng đất cao hiện nay, do công đức của cộng đồng dân làng Phù Tải tu tạo. Trải qua thăng trầm của lịch sử Đình Giải ở thế kỷ 21 đã được trùng tu sửa chữa lại vào ngày 10 tháng 02 năm Tân Tỵ.
Đình Giải tôn thờ 04 vị thành hoàng. Tương truyền là 04 anh chị em, 4 vị thiên thần trôi dạt từ trên rừng, xuôi theo dòng nước, nổi lên 4 khúc gỗ, trôi về bến Giải, được dân làng vớt lên, tạc tượng và tôn làm thành hoàng làng. Trước cách mạng, 04 vị thành hoàng được thờ tại 04 đình khác nhau. Sau khi bị hạ giải, các vị thành hoàng được đưa về thờ chung tại Đình Giải nên Đình Giải còn có tên gọi khác là Đình Cả.
Đình Giải với diện tích 1.863 m2 được toạ lạc trên mảnh đất cao ráo, thoáng rộng, phong cảnh hữu tình, biệt lập giữa vùng đất canh tác đã được chuyển đổi thành vùng chuyên canh cây ăn quả. Phía cổng trước sân đình có cây đa trên 200 tuổi toả bóng mát quanh năm và đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam năm 2024.
Cùng sự phát triển của làng xã, đình được xây dựng khá sớm (thời Tự Đức thứ 10 năm 1877), trùng tu nhiều lần vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Trong kháng chiến chống Pháp, Đình Giải là trung tâm hoạt động của địa phương nên bị giặc tàn phá nhiều lần. Năm 1947 – 1948, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đình bị hạ giải, chỉ để lại 03 gian Hậu cung. Nhân dân đưa các vị thành hoàng được thờ ở đình Đò, đình Giổ, đình Kênh vào thờ chung với thành hoàng đình Giải ở 03 gian Hậu cung còn giữ lại.
Do nơi thờ tự quá chật hẹp, năm 2001, chính quyền và Nhân dân địa phương đã quyết tâm trùng tu, tôn tạo lại 03 gian hậu cung và khôi phục 05 gian Đại bái bề thế như hiện nay.
          3. Kiến trúc xây dựng và các di vật cổ
Đình Giải được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép, giả gỗ với lối kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm Đại bái 05 gian 02 chái và 03 gian Hậu cung. Tòa Đại bái kiến trúc kiểu “con chồng thước thợ", đổ bê tông, dán ngói mũi, bờ nóc đắp nổi đề án “Lưỡng long chầu nguyệt". Hai đầu nhà được gắn lạc long, miệng ngậm bờ nóc. Bốn đao đắp nổi họa tiết long chầu, phượng mớm.
Tòa Hậu cung là công trình kiến trúc còn giữ lại được sau bao thăng trầm của lịch sử với nền móng và tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói vảy cá truyền thống, bờ nóc và bờ cánh mềm mại. Vì kèo nối liền giữa tòa Đại bái và tòa Hậu cung được các nghệ nhân dân gian tạo dựng khá độc đáo bởi hệ thống các cột cái, cột quân, xà nách và các con thuận. Vì kèo thứ nhất được tạo dựng công phu vừa là tấm bình phong ngăn cách ước lệ giữa hai tòa nhà vừa là nơi bài trí đồ thờ tự gian trung tâm. Đây là lối sáng tạo trong việc tạo dựng các công trình tín ngưỡng truyền thống thời Nguyễn.
Trong những năm gần đây, chính quyền và Nhân dân tiếp tục góp công, góp của xây dựng một số công trình phụ trợ như cổng, sân, khuôn viên,… tiêu biểu nhất là nghi môn mang phong cách thời Nguyễn được khôi phục năm 2002.
Trước dây, đình còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý, nhưng trải qua sự tàn phá của chiến tranh của thiên nhiên, nhiều đồ tế tự đã bị mất mát, hư hỏng, đặc biệt là hệ thống bia ký, câu đối, đại tự, nhiều dụng cụ rước thần,… Tuy nhiên, đình vẫn còn lưu giữ một số hiện vật như 2 cỗ ngai, 02 bài vị, 02 pho tượng thành hoàng và 01 long đình sơn son thếp vàng thời Nguyễn (thế kỷ XIX); 01 bát hương thời Nguyễn (thế kỷ XIX) men trắng, vẽ hoa lam theo đề tài “lưỡng long chầu nguyệt"; 05 sắc phong thời Hậu Lê và 05 sắc phong thời Nguyễn; 03 bia ký bằng đá; 01 thống đá và một số câu đối, đại tự mang nội dung cũ được Nhân dân mới tạo dựng lại để ca ngợi ơn đức các các vị thành hoàng làng.

        Cây Đa quý và ngôi chùa cổ
          4. Tổ chức lễ hội
Từ thời phong kiến, Đình Giải đã có 02 kỳ lễ hội là ngày 08 tháng Giêng âm lịch (lễ hội mùa xuân) và ngày 14 tháng 11 âm lịch. Ngày mùng 7, mọi người dọn dẹp, bao sái tượng và chuẩn bị lễ vật để cung thỉnh Thành Hoàng. Sáng ngày mùng 8, dân làng tập trung trước cửa các đình, rước các Thành Hoàng Đại Tạng (chị cả) ở Đình Đò, Thành Hoàng Quảng Tế (em thứ ba) ở Đình Giổ, Thành Hoàng Phổ Hóa (em út) ở Đình Kênh về Đình Giải, nơi tôn thờ Thành Hoàng Phổ Lợi (trưởng nam). Sau khi tế lễ, các Thành Hoàng lại được rước đưa trở về đình. Ngoài phần lễ, tại di tích cũng diễn ra nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, đi cầu thùm, cờ người,…
Thời gian gần đây, hoạt động lễ hội được rút ngắn, tổ chức gọn nhẹ hơn về thời gian và hình thức để phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, lễ hội vẫn là hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu được của người dân địa phương. Đây là dịp để mọi người cùng tận hưởng niềm vui, để các cộng đồng dân cư cùng thể hiện mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, tăng mối tình thân ái, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau. Đây là thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đã được bảo tồn, kế thừa và phát triển qua các thời kỳ của dân tộc Việt Nam.