1. Thông tin chung về di tích
Đình Giống tọa lạc tại thôn Giữa, xã Cổ Dũng cũ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ngày 11/01/2024, Đình Giống đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh (theo Quyết định số 94/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương).
Từ thị trấn Phú Thái đi về hướng Tây Bắc, theo đường Quốc lộ 5A hướng Hải Phòng - Hà Nội khoảng 9 km, đến UBND xã Vũ Dũng rẽ phải, đi thêm khoảng 150 m là đến di tích lịch sử Đình Giống .
Cổng Đình Giống, xã Vũ Dũng
2. Lịch sử di tích, nhân vật được thờ
Đình Giống là tên được gọi theo tên làng Giống ngày xưa. Tương truyền vào năm 40 sau công nguyên, thời kỳ Hai Bà Trưng, quân Mã Viện sang xâm lược nước ta, đi đến đâu, chúng đốt phá nhà cửa, giết đàn ông, hãm hiếp phụ nữ. Cả làng còn sót lại hai thanh niên gồm một nam và một nữ. Họ đã kết duyên với nhau, sinh con đẻ cháu và ngày càng đông vui. Do vậy, Giống ở đây có nghĩa là những hạt giống (những thanh niên còn sót lại sinh sôi, nảy nở ra con cháu đầy đàn). Trước đây, làng Giống có 4 miếu là miếu Bồ Đề, miếu Đống Án, miếu Bùng và miếu Quán Cổng. Lễ hội hằng năm, dân làng tổ chức rước các thần từ 4 miếu về đình Giống để tế lễ nên đình Giống còn có tên gọi khác là đình Cả.
Đình Giống thờ vị Thành Hoàng Họ Nguyễn, tên húy là Gia, tên chữ là Lộc, người bản xã, đã có công giúp nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII. Được giữ lại triều đình làm quan, nhưng ông đã khước từ, xin về quê dạy võ và đạo lý cho các thanh, thiếu niên trong làng. Ngày 12/3/1329, ông qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 95 tuổi. Nhân dân thương tiếc, lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông. Đến năm 1527, khi Mạc Đăng Dung đoạt ngôi triều Lê, đất nước bị chia cắt nên việc thờ cúng không được như cũ.
Tương truyền, ngày 01/5/1587, nhà Lê mang đại quân tiến về Thăng Long tiễu trừ họ Mạc. Trên đường đi qua đất bản xã, trời vô cùng nóng bức, khi đến ngôi đình, ngựa dừng lại không đi mà đứng hét kinh hoàng. Đại tướng quân sai người sắm sửa lễ vật vào đình, cầu đảo, tự nhiên không trung sấm rền, trên trời mây mưa vần vũ. Đại tướng thừa quyền bính cho lính trú lại vài phút sau, đánh 5 tiếng trống, hô hoán bản xã cử người bảo vệ. Trong lúc nghỉ ngơi, Đại tướng nằm mộng thấy một người khôi ngô, lẫm liệt, trạng mạo, xe ngựa tùy tòng, người hộ vệ hai bên trăm có thừa, mũ áo chỉnh tề, hương thơm quanh người. Người đó cùng Đại tướng hội đàm xác đáng. Sau khi tỉnh dây, Đại tướng ngay lập tức chỉnh binh, dong tượng mã, lên đường ra trận đầy khí thế. Sau 2 tháng truy đuổi quân nhà Mạc, trên đường về, Đại tướng qua sắm lễ tạ và nói với Nhân dân tại địa phương: Thánh chúa đều phải dựa vào dân, phúc thần có công “âm phù" đánh phỉ Mạc, Tướng quân diện tấu, nên được gia phong: “Hoàng bắc, Chiêu linh, Dũng cảm, Thí nhân, Phát chính dực thánh, Khuông tộ, Dương hưu, Diên huống minh trí, Cản ứng phù hựu, Gia Lộc tôn thần. (Thần giúp cho mọi điều tốt lành, Nhân dân phải có trách nhiệm thờ cúng).
3. Kiến trúc xây dựng
Đình Giống được khởi dựng từ khá sớm, trùng tu vào năm 1942 với kiến trúc kiểu tiền Nhất hậu Đinh, chất liệu bằng gỗ tứ thiết. Hai bên là hai dãy giải vũ 5 gian, nhà bia được xây dựng bên cạnh giải vũ để ghi công lao của những người có công với quê hương, đất nước.
Trước cách mạng tháng Tám, đình là nơi bầu cử Chánh tổng, Lý trưởng. Sau cách mạng tháng Tám, đình là nơi luyện tập, tập hợp lực lượng thanh niên trong làng xây dựng đơn vị dân quân tự vệ. Ngày 06/01/1946, đình là nơi địa phương tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội phiên đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 4 năm 1946, đình là nơi tổ chức bầu cử HĐND xã. Tháng 10 năm 1948, đình hạ giải hoàn toàn để thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Năm 2011, đình được xây dựng lại cách nền đất cũ khoảng 200 m về phía đông nam (đất đình xưa giờ là trường Tiểu học Cổ Dũng). Công trình được tôn tạo lại với chất liệu chủ yếu bằng bê tông cốt thép, sơn màu giả gỗ, quy mô vừa phải nhưng khang trang, bề thế, gắn với không gian, cảnh quan thoáng mát, sạch đẹp.
Nghi môn tứ trụ trang trí hình 4 con chim phượng đuôi chụm vào nhau, đầu quay bốn phía. Hai bên đỉnh trụ trang trí 2 con nghê ngoảnh mặt nhìn đối nhau, thân trụ vuông chạm khắc hình tứ linh, tứ quý và các câu đối ca ngợi công lao của đức Thành Hoàng đối với quê hương, đất nước. Sau nghi môn, vòng qua hồ bán nguyệt là đến sân đình rộng rãi được lát gạch đỏ, bậc thềm dật cấp vào trong đình.
Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái, 3 gian hậu cung, xây kiểu đao tàu déo góc. Hệ thống vì kèo kiểu “con chồng giá chiêng". Mái đình đổ bê tông, lợp ngói mũi, bờ nóc đắp nổi đề án “Lưỡng long chầu nguyệt", cửa gỗ kiểu “Thượng song hạ bản", hai hồi trổ ô cửa hình chữ “Thọ" cách điệu. Hai đầu bờ nóc được gắn lạc long, miệng ngậm bờ nóc, đuôi cuộn tròn vắt lên hồi đấu, bờ guột để trơn. Đầu đao được đắp nổi “rồng chầu phượng mớn", móng tường xây bằng gạch chỉ. Các chân cột được tạo hình đặt trên các chân tảng sơn màu giả đá. Hệ thống hoành được bài trí theo lối “thượng tứ, hạ ngũ".
| Di tích Đình Giống |
|
|
Đình hiện còn lưu giữ được một số tư liệu quý để nghiên cứu khoa học là những di vật, cổ vật niên đại thời Nguyễn như 01 hòm đựng sắc, 01 kiếm gỗ, 01 chéo sứ và 06 bia đá,…
4. Tổ chức lễ hội
Hằng năm, Nhân dân đều tổ chức lễ hội với quy mô lớn để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Thành Hoàng. Trước cách mạng tháng Tám, lễ hội kéo dài từ ngày 09 đến ngày 13 tháng 2 (âm lịch). Khi đình bị hạ giải để thực hiện tiêu thổ kháng chiến, Nhân dân tích cực lao động sản xuất, phục vụ kháng chiến, mọi sinh hoạt tín ngưỡng tại địa phương tạm thời bị gián đoạn. Năm 2008, lễ hội được phục dựng với quy mô lớn, có sự kế thừa những nét đẹp của lễ hội xưa.
Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày (ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch). Ngày 10 tháng 2, Ban Quản lý di tích mở cửa đình, sửa soạn đồ tế để xin phép thành hoàng cho mở lễ hội và làm lễ bao sái đồ thờ tự. Sáng ngày 11 tháng 2, các thôn chuẩn bị lễ vật tổ chức rước lễ, rước các vị thần ngụ tại 3 miếu tập trung về đình và tổ chức Lễ tế.
Lễ hội đình Giống
Đội tế gồm 20 người (cả nam và nữ) tuổi khoảng 60 trở lên, gia đình nền nếp, con cháu đề huề có nếp có tẻ, mặt đánh phấn trắng, bôi son đỏ. Chủ tế mặc đồ màu đỏ, đầu đội mũ quan, chân đi hia; 02 ông Bòi tế mặc áo dài vàng, quần trắng, chân đi giày trắng, đội mũ cánh chuồn; còn lại các ông phụ tế mặc áo dài xanh, quần trắng, đội mũ cánh chuồn màu xanh, các bà phụ tế mặc áo dài xanh, đội khăn xếp màu vàng. Lễ tế bắt đầu từ tuần hương, đến tuần rượu, tuần trà, cuối cùng là tuần nước. Sau đó, chính quyền địa phương cùng toàn thể Nhân dân lên dâng hương.
Sau tế lễ và dâng hương là khai mạc và đánh trống khai hội. Về phần hội, đình có tổ chức các Hội thi, Hội diễn, các chương trình giao lưu, các trò chơi dân gian như đấu vật, cờ tướng, đánh đu, bịt mắt bắt dê,…
Có thể nói, lễ hội truyền thống làng Giống được khôi phục trở lại thể hiện việc tìm về nguồn cội, để tri ân công lao của vị thành hoàng có công bảo vệ đất nước, che chở cho dân làng nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ tại địa phương về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua lễ hội, cộng đồng nhân dân sẽ ngày càng gắn kết và yêu thương, giúp đỡ nhau để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.