1. Thông tin chung về di tích
Quỳnh Khê trước đây là một xã thuộc tổng Cam Đường, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, sau này là một thôn thuộc xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Tên gọi di tích “đình Quỳnh Khê" là cách gọi theo tên xã Quỳnh Khê xưa; đến năm 2019 thôn Quỳnh Khê được tách thành thôn Quỳnh Khê 1 và Quỳnh Khê 2 nhưng tên gọi của đình vẫn không thay đổi.
Cổng đình Quỳnh Khê
Đình Quỳnh Khê toạ lạc tại trung tâm thôn Quỳnh Khê 2 thuộc xã Kim Xuyên. Đi từ thị trấn Phú Thái theo đường Quốc lộ 5 hướng Hải Phòng - Hà Nội khoảng 03 km, rẽ trái vào cổng làng Quỳnh Khê đi khoảng 400 m đến chợ, rẽ phải đi khoảng 300 m, sau đó rẽ trái đi tiếp khoảng 200 m là đến đình, hoặc có thể đi từ cổng làng khoảng 600 m rẽ phải đi tiếp khoảng 200 m qua hai cầu đá (có từ thời Nguyễn, hiện nay vẫn còn sử dụng) là đến trước cửa đình.
Đình Quỳnh Khê đã được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 07/01/2016.
2. Lịch sử di tích và nhân vật được thờ
Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, Mặt trận Việt Minh phát triển đến từng thôn, xóm. Huyện Kim Thành cử đồng chí Nguyễn Huy Hoằng là Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương về làm Hương sư ở làng Quỳnh Khê với nhiệm vụ bảo vệ đường dây liên lạc Liên tỉnh B của Hải Dương và tuyên truyền gây dựng cơ sở cho Việt Minh (tức Việt Nam độc lập đồng minh). Tháng 2 năm 1942, hai thanh niên là Vũ Viết Nhuận và Vũ Đình Thưởng (người làng Quỳnh Khê) được đồng chí Hoằng giác ngộ cách mạng, vận động tham gia Việt Minh. Đình Quỳnh Khê đã trở thành cơ sở hoạt động để họp bàn và tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng.
Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh về diệt giặc đói, giặc dốt. Các lớp bình dân học vụ chống giặc dốt, từng bước xoá mù chữ cho nhân dân, và các lớp học đều được tổ chức tại Đình Quỳnh Khê. Năm 1946 tại Đình diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khoá đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và bầu cử HĐND các cấp từ Trung ương đến tỉnh. Giặc Pháp sau thất bại trong chiến dịch Thu – Đông 1947, từ giữa năm 1949 đến đầu năm 1950, chúng quay về càn quét các vùng di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Thái Bình. Chúng tăng cường đóng đồn, bốt, xây dựng hệ thống boong ke ở các vị trí thiết yếu trên đường 5 và dọc đường 188 Kim Thành. Ở Quỳnh Khê chúng đưa tên Đàn là người trong làng đi lính Nguỵ ở Hải Phòng về tổ chức càn quét ngày đêm, bắt một số thanh niên trong làng lập dõng, trang bị tới 10 súng trường, hàng trăm lựu đạn, chúng đàn áp nhân dân, bắt nhân dân đóng tiền, góp gạch xây bốt tại Đình Quỳnh Khê. Năm 1953, đình Quỳnh Khê đã bị thực dân Pháp đốt phá. Đến năm 1993, được sự quan tâm, cho phép của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Nhân dân Quỳnh Khê cùng nhau quyên góp tiền và kêu gọi con em trên mọi miền Tổ quốc công đức, dựng lại tòa Đại bái.
Nhân vật thờ, căn cứ vào thần tích, sao chép ở cuốn sổ vàng của đình làng và truyền khẩu của các cụ cao niên trong làng thì đình Quỳnh Khê tôn thờ 3 vị Thành hoàng gồm một vị Thiên thần và hai vị Nhân thần họ Đặng xứ Quỳnh Khê, tên là Đặng Vũ và Đặng Hùng. Đây là các vị đã có công dẹp loạn 12 sứ quân. Có thể tóm tắt như sau: Năm 966 đất nước hình thành 12 sứ quân đánh chiếm lẫn nhau, khoảng năm 967 loạn 12 sứ quân gây ra ở khắp mọi miền đất nước. Đinh Bộ Lĩnh đem quân đi đánh nhờ vào sự mưu trí, dũng cảm của ông nên các sứ quân như Phạm Bạch Hổ, Ngô Nhật Khánh, Ngô Xương Xí đã đem quân về hàng, lực lượng ngày càng lớn mạnh. Một hôm trong lúc nghỉ ngơi có Thiên thần báo mộng rằng: Ở xứ Quỳnh Khê có hai anh em nhà họ Đặng võ nghệ cao cường, tài ba đức độ có thể dẹp loạn, nên tìm hai người đó và giao họ dẹp loạn thì sẽ chiến thắng. Đinh Bộ Lĩnh vâng lệnh trời đã xuống chiếu cho hai anh em Đặng Vũ, Đặng Hùng cùng quân lính đi dẹp giặc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ hai ông Đặng Vũ, Đặng Hùng của xứ Quỳnh Khê được vua cho trở về quê lập ấp, dựng làng, ca khúc khải hoàn trên đất Quỳnh khê, uy danh chấn động đất trời và được triều đình vua Đinh sắc phong cho hai ông họ Đặng, thưởng công khen chức là “Tổng binh khâm sai Thiên Phúc, Thiên Tài". Một thời gian sau trong một chuyến đi từ triều đình về đến Đống Lóc của làng Quỳnh Khê, hai ông Đặng Hùng, Đặng Vũ đã hoá tại đây đó là ngày 13 tháng 10. Vua nghe tin ban sắc phong Phúc thần Thượng đẳng Đại vương. Phong cho vị Thiên thần từng báo mộng là Thượng đẳng Đại vương và cho xây dựng miếu thờ tại bản, xã.
Việc tôn thờ các nhân vật lịch sử từ thời nhà Đinh cho thấy rằng đình Quỳnh Khê là nơi được hình thành và phát triển có lịch sử từ rất lâu đời. Từ đó giúp ta hiểu thêm về quá trình đấu tranh và xây dựng đất nước trong thời kỳ này.
3. Kiến trúc xây dựng và các di vật cổ
Ảnh đình Quỳnh Khê
Đình Quỳnh Khê được xây dựng khá sớm. Từ một gian nhỏ thờ vọng các vị Thành hoàng, đến thời Nguyễn, đình được xây dựng to đẹp, khang trang trên khuôn viên đất cũ cao ráo, thoáng mát. Trải qua chiến tranh, di tích và nhiều đồ thờ tự bị thực dân Pháp đốt cháy.
Năm 1993, chính quyền địa phương và Nhân dân đóng góp xây dựng lại tòa Đại bái dài 19,3m, rộng 5,7m gồm 5 gian, kiến trúc đơn giản, được xây bằng chất liệu xi măng, mái lợp ngói ta, đỉnh đắp nổi đề án “Lưỡng long chầu nguyệt". Hai đầu trụ được gắn kìm ngậm bờ nóc, đuôi cuộn nhiều vòng, bờ nguột để trơn. Đầu đao được đắp nổi hình tượng lá hóa long. Năm 2009, đình tiếp tục được xây lại hậu cung 5 gian.
Hiện tại, di tích còn lưu giữ được một số cổ vật, di thư như: 01 nhang án gỗ, 01 long đình, 02 bia đá thời Nguyễn,… Đây là những tư liệu quý giá cần được nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực về lịch sử văn hóa, mỹ thuật của địa phương.
Ngoài đình còn 4 miếu thờ Thành hoàng và Thân phụ, Thân mẫu Đặng Hùng, Đặng Vũ. Ban thờ đắp bằng đất làm nơi thờ tự. Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhờ sự đóng góp công đức của nhân dân địa phương các miếu được xây dựng lại bằng xi măng, vôi vữa, với quy mô nhỏ kiến trúc đơn giản. Hướng các miếu đều quay về đình và lấy đình làm trung tâm. Các ngày lễ tết nhân dân trong làng đều ra miếu thắp hương. Miếu Cửa Trạn thờ Thành hoàng Thiên thần, miếu nằm bên kia đường 5 cách đình 1km, miếu khá nhỏ, được nát bằng gạch đỏ, có mái vòm, bậc dật tam cấp, trước miếu có một tấm bia, xunh quanh miếu được xây tường lợp mái tôn để ngăn cách khu dân cư. Miếu Đống Lóc thờ Thành hoàng Đặng Hùng, cách đình 1,5 km, phía trước miếu có sân đổ bê tông. Miếu Giữa thờ Thành hoàng Đặng vũ, miếu nằm giữa làng, gần sát với đình. Miếu Thánh phụ, Thánh mẫu nằm ở đầu làng cách đình 800 m, tương truyền khi Thánh phụ, Thánh mẫu của các vị Thành hoàng mất để tưởng nhớ công ơn sinh thành, nuôi dưỡng các vị Thành hoàng nhân dân đã dựng miếu thờ phụng.
4. Tổ chức lễ hội
Trước Cách mạng tháng 8/1945:
Căn cứ vào Thần tích do cụ Vũ Viết Bằng người làng Quỳnh khê sao chép hiện lưu giữ tại Đình làng; căn cứ vào hệ thống bia ký; nguồn tư liệu khảo sát, điền dã và truyền khẩu của các cụ cao niên trong làng cho biết: trước Cách mạng tháng 8/1945 tại Đình Quỳnh Khê có các sự lệ sau:
Ngày 15 tháng 1: Lễ tế thần, mở hội đô vật, chạy cờ, chạy quạt với ý nghĩa cầu cho dân bản xã được thịnh vượng (thời gian diễn ra 1 ngày)
Ngày 15 tháng 8: tổ chức tế cơm mới, xuân thu nhị kỳ, hồng cốm tế thần, chạy quạt (thời gian diễn ra 1 ngày)
Ngày 13 tháng 10: Giỗ Thành Hoàng. Các Giáp sắm sửa lễ vật về đình để tế Thành Hoàng. Nghi lễ được tổ chức trong ngày, đến trưa mọi người cùng thụ lộc tại Đình.
Ngày 12 tháng 12: Lễ tiễn năm cũ, đón năm mới
Tế giao thừa, tế các ngày trung thu, thượng điền, hạ điền…
Hàng năm đình Quỳnh Khê có lễ hội cúng tế các vị Thành hoàng vào những ngày kỳ Phúc diễn ra vào tháng 3 Âm lịch từ ngày 14 đến ngày 17. Trong thời gian diễn ra Lễ hội ngoài phần Lễ còn có phần Hội được tổ chức sôi nổi, náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian như: đấu vật, cờ người, đánh đu, cầu thùm, bắt vịt, đập niêu…
Lễ hội ngày nay:
Năm 1953, đình bị thực dân Pháp đốt phá, vì vậy lễ hội truyền thống tại đình không được tổ chức. Tuy nhiên, trong khuôn viên còn căn nhà nhỏ để mọi người thắp hương Thành hoàng vào các ngày Lễ, ngày Rằm…
Đến năm 1994, lễ hội được khôi phục lại nhưng thời gian diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 3 Âm lịch. Việc tổ chức do UBND xã đứng ra tổ chức.
Năm 2016, đình Quỳnh Khê được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, UBND xã đã bàn giao việc tổ chức Lễ hội lại cho nhân dân thôn Quỳnh Khê tổ chức.
Hiện nay, Lễ hội được tổ chức chủ yếu trong 2 ngày 14 và 15 tháng 3 Âm lịch với các hoạt động như sắm sửa lễ vật về đình để tế Thành hoàng, rước kiệu,… Trong những ngày lễ hội diễn ra tại di tích, người dân luôn háo hức, vui tươi, phấn khởi tham gia vào các nghi lễ, hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian một cách sôi nổi. Với những giá trị, ý nghĩa sâu sắc đó, đình Quỳnh Khê và các sự lệ tại di tích đã trở thành nét đẹp ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân địa phương.