Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình lịch sử cách mạng và di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Chùa Diên Khánh, xã Kim Tân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

Chùa Diên Khánh, xã Kim Tân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
         1. Thông tin chung về di tích
 Diên Khánh tự là tên tự của chùa, tương truyền chữ “Khánh" được bắt nguồn từ việc chùa Muống (Khánh Quang tự) là nơi sinh và tu hành của Thánh tổ Non Đông (hiện nay thuộc địa phận xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành) là môn đệ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Chùa Khánh Quang là một ngôi chùa rất lớn, thời kỳ thịnh hành có tới 144 gian nhà. Các chùa ở cả vùng đều chịu ảnh hưởng lớn của Thiền phái này. Vì thế mà các ngôi chùa đều lấy chữ “Khánh" để đặt tên tự và đều theo Thiền phái Trúc Lâm. Ngoài ra chùa còn có tên gọi nôm là Chùa Lành.

Nhà Tam Bảo- Chùa Diên Khánh
 
      Chùa Diên Khánh tọa lạc tại đầu thôn Hải Ninh, xã Kim Tân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, là nơi sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng lâu đời của nhân dân địa phương. Công trình được xây dựng trên mảnh đất bằng phẳng và thoáng mát, mặt tiền quay hướng Nam, phía trước là vườn chùa, xa hơn là sông Chẩu, một chi lưu của sông Văn Úc, phía bắc giáp đất canh tác, phía Đông và phía Tây giáp khu dân cư.
Về thăm di tích chùa Diên Khánh, du khách có thể xuất phát từ trung tâm thị trấn Phú Thái theo đường Quốc lộ 17B, đến ngã tư xã Kim Đính rẽ trái, đi khoảng 1,5 km, tiếp tục rẽ phải vào đường liên thôn 300 m là đến di tích chùa Diên Khánh.
Chùa Diên Khánh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 3729/QĐ-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2009.
2. Lịch sử, kiến trúc xây dựng và nhân vật được thờ
          Chùa Diên Khánh là một di tích lớn gồm nhiều hạng mục công trình khác nhau. Trong đó khu chùa chính gồm 05 gian tiền đường và 03 gian hậu cung bằng gỗ lim kiên cố. Nhà tổ 03 gian bằng gỗ lim, nằm ở phía sau chùa, 01 gian nhà khách gồm 09 gian nằm ở phía đông của chùa và 05 gian nhà lợp rạ, dùng làm kho tạm của nhà chùa.
          Năm 1947 chùa đã được giải hạ để phục vụ tiêu thổ kháng chiến. Năm 1994 thể theo nguyện vọng của nhân dân, chính quyền và nhân dân địa phương đã quyết tâm khôi phục lại ngôi chùa trên nền đất cũ, với quy mô tương đối lớn. Chùa có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), gồm 05 gian tiền đường và 03 gian hậu cung chất liệu bằng bê tông cốt thép làm giả gỗ nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín, mặt tiền quay về hướng Nam. Mái bê tông dán ngói mũi, xây dựng lại năm 1994, bờ nóc, đuôi cuộn tròn vắt trên hồi đấu, bờ cánh đắp hoa thị mềm mại, mặt trước được lắp đặt 03 bộ cửa bức bàn.
          Tòa tiền đường gồm 4 vì kèo liên kết với nhau, các vì kèo khá đơn giản, có kiến trúc khá giống nhau và được kiến tạo kiểu "Con chồng giá chiêng" hệ thống chi tiết của vì kèo khá đầy đủ bao gồm cột cái, cột quân, các chi tiết khác như câu đầu, trụ, các con thuận, giường bụng lợn, hoành đều làm bằng bê tông cốt thép tạo má trai sơn giả gỗ.
          Hậu cung gồm 03 gian, 02 bộ vì, vì thứ nhất đắp nổi đề án "Hổ phù" hình tượng văn hóa phồn thực cầu no đủ của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Vì thứ hai, kiến trúc vì gác tường đơn giản.

​Nhà Tiền Đường- Chùa Diên Khánh
         
          Năm 2012 khởi công xây dựng 07 gian nhà Tổ đến năm 2023 hoàn thành. Kiến trúc chữ Nhị, 03 gian thờ, 04 gian phục vụ sinh hoạt, tổng diện tích 430m2, mái bê tông dán ngói mũi, đỉnh mái cuốn thư: Ghi chữ Phụng Tổ Đường "Chữ nho), hai bên, hai cây đèn ghi thư pháp nơi giảng dậy. Vật liệu bằng bê tông cốt thép, sơn giả gỗ.
          Đặc biệt tại chùa còn lưu giữ được 05 ngôi tháp cổ bằng đá có niên đại chính xác vào các năm từ thời vua Minh Mệnh thứ 21 (1840) đến thời vua Khải Định thứ 4 (1919) đó là những tiêu bản quý giá.
          Như nhiều ngôi chùa làng của người Việt tại đồng bằng Bắc Bộ, chùa Diên Khánh là nơi thờ Phật theo Thiền phái Đại Thừa. Phái Đại Thừa không chỉ thờ Phật Thích Ca mà còn thờ nhiều Đức Phật khác trong đời Quá khứ - Hiện tại - Vị lai.
         3. Tổ chức lễ hội
          Hàng năm chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 20 tháng giêng, đây là lễ hội kỷ niệm ngày mất của Thánh Tổ Non Đông - Một cao tăng thời Trần theo Thiền phái trúc lâm, sư tổ trụ trì chùa Diên Khánh. Hội chùa Diên Khánh  được tổ chức vào hai ngày 19 và 20 tháng giêng hàng năm. Phần hội được diễn ra sau lễ dâng hương: Chương trình văn nghệ của các đội văn nghệ trong xã, tổ chức trò chơi cầu thùm, đập niêu ... Ngoài lễ hội chính, hàng năm, tại di tích có các các ngày lễ tiết khác như: Ngày 16 tháng 6 giỗ vị Sư Tổ Sa bà hộ Trần, người quê hương Hải Ninh; Ngày 18 tháng 8 lễ kỷ niệm ngày mất của nhà Sư Thích Lệ Hạnh (Người con quê hương có công khôi phục chùa).
          Lễ hội xuân chùa Diên Khánh xã Kim Tân hàng năm đã trở thành một nét đẹp văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương.