Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình lịch sử cách mạng và di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Di tích Đền Quýt, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

Di tích Đền Quýt, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
​1. Thông tin chung về di tích
Đền Quýt có diện tích 1.191 m2 đã được khoanh vùng quy hoạch là đất thờ tự. Đền được xây dựng trên khu đất thuộc thôn Dưỡng Thái Bắc, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Đền Quýt được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 07 ngày 02 năm 2013 của UBND tỉnh Hải Dương.
Đường vào Đền Quýt, đi từ Quốc lộ 5A hướng Hải Phòng​ - Hà Nội, đến Km 72+ 600 rẽ phải vào đường bê tông rộng 6m, đi tiếp khoảng 600m là đến vị trí của Đền.

 
Đền Quýt thuộc thôn Dưỡng Thái Bắc, thị trấn Phú Thái
huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương
 
2. Lịch sử di tích
Đền Quýt trước đây nguyên là một ngôi chùa có tên là chùa Quýt. Trong Hương ước của làng Dưỡng Thái do Hương lý, Kỳ hào khai vào năm 1936 cũng có ghi về vấn đề này như sau: “Làng có một đình Cả, hai chùa Cả và chùa Quýt, một miếu ở cửa Nghè, một miếu ở chùa Cả, thờ đức Thánh Cả", “Chùa Quýt có ngày 9 tháng 1 âm lịch làm lễ giỗ đức Ngọc hoàng giáng hạ". Như vậy, làng Dưỡng Thái không có đền Quýt mà chỉ có chùa Quýt thờ Phật theo thiền phái Đại thừa, một thiền phái phổ biến tại các ngôi chùa ở miền Bắc.
Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng, đền Quýt trước đây bao gồm toàn bộ ngôi đền và gần hết diện tích đất nghĩa trang của Uỷ ban nhân dân xã hiện nay. Ngôi đền nguyên trước đây là một ngôi chùa, có quy mô rất nhỏ, được xây dựng bằng đất, mái lợp tre, lứa. Sau, nhân dân địa phương xây dựng hai gian hậu cung, chất liệu bằng đá làm nơi thờ tự.
3. Kiến trúc xây dựng và nhân vật được thờ
 Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã và quy mô kiến trúc hiện còn, đặc biệt là dòng chữ Hán khắc trên câu đầu toà tiền tế: “Canh Thìn niên đông tạo, càn nguyên hanh lợi trinh" nghĩa là Mùa Đông năm Canh Thìn dựng lên (1940), mọi vật bắt đầu sinh ra trong trời đất đều thông suốt, thuận lợi, tốt đẹp. Điều đó, cho phép đánh giá, công trình hiện nay là kết quả của lần trùng tu, tôn tạo lớn vào năm 1940 gồm 3 gian tiền tế và 1 gian nhà cầu nối liền với hậu cung tạo cho công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) và được gọi là đền Quýt.
Đền Quýt là nơi thờ vọng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - người anh hùng dân tộc thời Trần (Thế kỷ XIII). Thân thế, sự nghiệp của ông gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn giúp chúng ta hiểu hơn về hào khí Đông A thời Trần, đó là đập tan tham vọng và ý chí xâm lược của kẻ thù, bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và ngăn chặn cuộc xâm lược của nhà Nguyên đối với các nước khác. Qua đó giúp quân và dân ta nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc, góp phần vào việc tìm hiểu, kế thừa và phát huy những truyền thống, kinh nghiệm đánh giặc giữ nước hết sức phong phú, độc đáo, sáng tạo của dân tộc, thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngoài ra, di tích còn thờ các vị thần như Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Đức Ông...thể hiện sự ước vọng và cầu mong những điều tốt đẹp, tránh xa điều ác. Đây là giá trị cốt lõi và rất cần thiết đối với mọi thời đại.
Đền Quýt được trùng tu, tôn tạo vào năm 1940, 1999, 2001 và những năm gần đây. Công trình quy mô tuy nhỏ nhưng kiến trúc tương đối đồng bộ, tường hậu cung còn nguyên gốc bằng đá, đó là tiêu bản quý giúp chúng ta khi tu sửa, chống xuống cấp, hoặc phục hồi những công trình cùng thời.
Trải qua nhiều biến động của lịch sử, ngôi đền còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về nghệ thuật và tạo hình, chất liệu gỗ, niên đại vào thời Nguyễn (Thế kỷ XIX) như mâm triện, tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Đức Ông, Thổ Địa...
4. Tổ chức lễ hội
Vào trước cách mạng tháng 8 năm 1945, tại đền Quýt có một kỳ lễ hội chính diễn ra từ ngày mùng 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, trong đó ngày 10 là trọng hội, gọi là lễ mùa xuân. Đây là một lễ hội lớn, thu hút đông đảo bà con nhân dân trong vùng cùng tham gia với các lễ tục linh thiêng và loại hình trò chơi dân gian phong phú.
Từ ngày mùng 9 các công việc chuẩn bị cho lễ hội được bắt đầu. Vào buổi sáng, Lý trưởng và các cụ chức sắc trong làng tiến vào đền làm lễ xin mở hội. Sau lễ khấn xin mở lễ hội, các trai tráng được phân công vào đền bao lau các đồ thờ tự, dọn dẹp đường làng ngõ xóm, phong quang sạch sẽ.
Ngày mùng 10 là ngày chính hội, từ sáng tinh mơ, trên các ngả đường, tiếng chiêng, trống nổi lên rộn rã, các vị chức sắc cùng dân làng nô nức rước hoa lễ ra đền chuẩn bị cho tế lễ Thành hoàng. Đội tế được thành lập gồm 13 người do hội đồng làng cử ra, được lựa chọn kỹ càng, khắt khe như phải có chức sắc trong làng, tuổi từ 45 đến 50 trở lên, mạnh khoẻ, gia đình hoà thuận, có con trai, con gái, làm ăn phát đạt, có tâm, có đức. Riêng chức mạnh bái thì cử những người nào có chức tước, phẩm hàm cao hơn hết thời được xung chức ấy, nếu hai người cùng chức thì so hàm, nều hai người cùng hàm thì so chức. Nếu hàm chức cũng như nhau thì so ngày khao vọng trước sau. Nếu người đến lượt mạnh bái mà gặp khi tang trở từ 5 tháng thì phải cáo để cất đến người dưới.
Khi vào tế, trang phục của các ông quan viên tế phải chỉnh tề, đúng nghi thức. Ông mạnh bái (chủ tế) mặc áo tế màu xám, trước và sau áo có vạt đỏ thêu rồng, đi hia đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn; còn các ông xướng tế (hoạ xướng, thông xướng), bồi tế, đón rượu...thì mặc quần trắng, áo màu xám, đi hia đỏ, đầu đội khăn xếp màu đen.
Nghi thức tế được thực hiện theo các bước tế cổ như củ soát lễ vật (kiểm soát vật tế) do ông chủ tế và hai ông bồi tế đi kiểm tra xem vật tế đã đầy đủ hay chưa. Lễ vật gồm bánh giày, rượu, hương hoa, oản quả. Sau đó, tế một tuần hương, tiếp đến là ba tuần rượu. Sau khi tế ba tuần rượu, là đến lễ tế đọc văn chúc do hai ông bồi tế đọc, sau đó mời ông chủ tế uống nước, ăn trầu và hoa văn chúc (mỗi năm văn chúc có một bản, khi tế xong thì hoá), kết thúc phần tế lễ.
Ngày 11 nhân dân trong làng làm lễ.
Ngày 12, vào buổi sáng, tổ chức tế tạ. Lễ vật tế tạ gồm rượu, hoa quả và 1 con lợn sống khoảng 50, 60 cân (gọi là lợn long bồ), tắm rửa sạch sẽ, đặt trong cũi để ở trước sân đền. Sau lễ tế tạ, lợn được làm thịt ăn trong ban lễ hội. Buổi chiều tổ chức cúng chúng sinh, kết thúc lễ hội.
Trong lễ hội, ngoài phần lễ còn diễn ra phần hội với các trò chơi dân gian như như đánh vật, chọi gà, cờ người...Buổi tối có hát chèo.
Những năm gần đây, lễ hội được mở trở lại và có nhiều nét mới. Đền Quýt nằm trong quần thể di tích cùng Đình - Chùa Dưỡng Thái nên Uỷ ban nhân dân xã Phúc Thành cũ đã ban hành “Quy chế tổ chức, hoạt động và bảo vệ quần thể di tích lịch sử văn hoá đình - chùa xã Phúc Thành" (Sửa đổi, bổ sung), ngày 24 tháng 12 năm 2008. Theo Quy chế thì lễ hội mùa xuân từ ngày mùng 10 đến ngày 12 tháng giêng âm lịch được tổ chức tại tất cả các điểm di tích của địa phương (trong đó chùa Cảnh Linh là trung tâm diễn ra các hoạt động chính của lễ hội). Như vậy lễ hội Đền Quýt không chỉ tổ chức riêng cho di tích mà còn bao gồm cả Đình Dưỡng Thái và chùa Cảnh Linh.
Ngoài Lễ hội đầu xuân chung của quần thể Di tích Đình - Đền - Chùa từ 10 - 12 tháng Giêng, hằng năm còn có các lễ tiết ở đền Quýt gồm:
- Ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch tổ chức lễ dâng hương trong thời gian 01 ngày (đội tế nữ tế thần);
- Ngày 20 tháng 8 âm lịch tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm ngày giỗ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (đội tế nữ tế thần);
Đêm Giao thừa mở cửa đền để nhân dân và khách thập phương dâng hương và đón Giao thừa.
Có thể nói, lễ hội đền Quýt xưa và nay đã có nhiều điểm khác biệt từ hình thức tế lễ, đội tế lễ, các trò chơi dân gian, văn nghệ... nhưng đều phản ánh được bản sắc văn hoá tâm linh của một vùng quê, thể hiện tính cộng đồng, lòng ngưỡng vọng, tri ân đối với những người có công với dân, với nước.