Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Xã Đại Đức

...
a. Lịch sử hình thành và phát triển

- Dưới xã hội phong kiến và thuộc địa nửa phong kiến, xã Đại Đức có 6 làng: Nại Thượng, Kim Đán, Định giàng, Kiên Lao, Xuân Quang, Lộng Khê thuộc tổng Lại Xuyên.

- Dựa theo truyền thuyết và bia ký, tộc phả của các dòng họ lớn để lại thì mảnh đất này có từ Thiên niên kỷ thứ nhất và đến thế kỷ thứ XII đã có người đến khai hoang, lập nghiệp. Lúc đầu chỉ có từng nhóm người hình thành nên những trang trại như trang trại Kiên Lao, Nại thượng trang..... Sau đó dân cư đông đúc đã phát triển thành những làng, xã như ngày nay.

Trước cách mạng tháng 8/1945 ruộng đất bị giai cấp địa chủ, phú nông phong kiến chiếm hữu, 60% gia đình nông dân không có tấc đất phải đi cày thuê cấy rẽ. Từ sau cải cách ruộng đất xã Đại Đức có những thay đổi hết sức cơ bản, người dân không phân biệt giàu nghèo, ai nấy đều có ruộng cấy. Và từ đây nhân dân Đại Đức đã có những đóng góp đáng kể vào việc xây dựng quê hương, bảo vệ tổ quốc.

- Tháng 3/ 1946, chi bộ Đảng Đại Xuyên và Kiến Đức được thành lập, suốt chặng đường hơn 57 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy, Huyện ủy, chi bộ Đảng xã Đại Đức không ngừng phát triển. Từ một chi bộ lúc đầu chỉ có mấy Đảng viên đến nay đã trưởng thành một Đảng bộ với 15 chi bộ với 268 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, nhân dân Đại Đức đã vượt qua những khó khăn gian khổ bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng (8/1945), tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Chống Mỹ cứu nước (1954-1975), và cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (1976-2005). Với những thành tựu đã đạt được qua mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Đại Đức rất tự hào thường xuyên được Huyện ủy, Tỉnh ủy biểu dương, đặc biệt năm 2002 được nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

b. Điều kiện tự nhiên, xã hội: Xã Đại Đức có diện tích tự nhiên 9,56km2, với dân số 8347 người, mật độ dân số trung bình 873 người/km2; nằm về phía Đông Nam huyện Kim Thành, cách trung tâm huyện 13 km theo trục đường 188. Phía Đông giáp xã Tam Kỳ, phía Tây giáp xã Liên Hòa, phía Nam giáp xã Bát Trang huyện An Lão - Hải Phòng, phía Bác giáp xã Đồng Gia.

c. Di tích, thắng cảnh: Đại Đức có 9 làng chủ yếu theo đạo phật, còn lại một làng theo đạo thiên chúa giáo. Ba Làng Kiên Lao, Nại Thượng và Kim Đán có cả đình và chùa, hai làng nhỏ là Đình giàng và Xuân Quang chỉ có đình. Riêng làng Lộng Khê có một nhà thờ. Đình thờ những người có công với làng thường gọi là thành hoàng và là nơi họp bàn của các dòng họ. Đình, chùa không chỉ là là nơi thờ phụng tâm linh mà hàng năm từng chùa chính quyền còn cho phép mở lễ hội để nhân dân trong xã và khách thập phương đến làm lễ cầu may, cầu phúc, giao lưu văn hóa nghệ thuật, hoạt động thể thao, xây dựng nếp sống cộng đồng, tình làng nghĩa xóm thủy chung.

d. Tiềm năng phát triển kinh tế: Đồng đất Đại Đức địa hình không được bằng phẳng nhiều gò, đống to nhỏ, cao thấp, nhấp nhô như bát úp, nhưng lại rất màu mỡ trồng được nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao và phát triển chăn nuôi là nghề nghiệp chính của nhân dân trong xã. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển. Xã có 7/9 làng đạt danh hiệu Làng, KDC văn hóa, có 01 di tích xếp hạng cấp Quốc Gia là Đình Kiên Lao và 01 di tích xếp hạng cấp tỉnh là Đình Nại Thượng.

đ. Đơn vị hành chính: Toàn xã có 09 thôn: Thôn Văn Thọ; Thôn Nguyễn Bạo; Thôn Kim Định; Thôn Kiến Lễ; Thôn Đại Tiến; Thôn Tân Tiến; Thôn Đồng Tâm; Thôn Đình Giọng; Thôn Lộng Khê.