Cộng đồng người Kim Thành chủ yếu là người Kinh, nhân dân đa số theo đạo Phật, còn lại số ít theo đạo Thiên Chúa. Tuy có sự khác nhau về tôn giáo, song trong suốt quá trình lịch sử, nhân dân Kim Thành luôn đoàn kết, thương yêu đùm bọc, gắn bó bên nhau chống giặc ngoại xâm, cùng nhau vượt qua những khó khăn thử thách để xây dựng quê hương Kim Thành ngày càng phát triển.
Đời sống văn hóa tinh thần của người dân Kim Thành rất phong phú, các hội làng, hội đình… được tổ chức vào dịp đầu xuân với nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Toàn huyện có 92 đình, đền, chùa, miếu, 8 Nhà thờ công giáo. cho đến nay đã có 7 công trình lịch sử kiến trúc nghệ thuật được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia gồm: Chùa Muống (xã Ngũ Phúc); Cụm di tích: Đình Dưỡng Thái, Chùa Cảnh Linh (xã Phúc Thành); Đình Kiên Lao (xã Đại Đức); Cụm di tích: Đình Lương Xá, Tháp Gạch Cửu phẩm Liên hoa (xã Kim Lương) và Tháp đá Cửu phẩm Liên hoa (xã Kim Tân) Có 14 di tích được xếp hạng cấp tỉnh tại 12 xã. Các di tích này, mặc dù đã trải qua hằng trăm năm, do sự thăng trầm của lịch sử, thiên tai, địch họa đã làm mất đi nhiều di tích quý hiếm nhưng vẫn còn giữ lại được những dấu ấn tốt đẹp của những di tích này.
I. Di tích lịch sử cấp Quốc gia:
1. Chùa Quang Khánh (Chùa Muống) xã Ngũ Phúc
Chùa Quang Khánh là một ngôi chùa lớn của đất nước thuộc thiền phái Trúc Lâm. Chùa có từ thời Trần đầu thế kỷ 14 do Huệ Nhẫn Quốc sư Vương Quán Viên chủ trì, Huệ Nhẫn còn là một lương y có tài chữa mắt. Vua Lê Thánh Tông đã từng đến chùa, đề thơ tại di tích. Chùa là cơ sở cách mạng và kháng chiến của xứ uỷ và tỉnh. Đến năm 1947 chùa còn 120 gian, 32 tháp đá và gạch, khoảng 50 pho tượng phật và nhiều cổ vật. Đây là ngôi chùa nhiều gian nhất tỉnh. Đồng thời là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng thuộc về đạo phật lớn nhất của huyện Kim Thành. Chùa được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1992. Hàng năm Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày là: 24 + 25 + 26 tháng Giêng (âm lịch) dân gian thường gọi là Lễ hội Non Đông. Do lợi thế giao thông thuỷ bộ và là một ngôi chùa cổ có tiếng ở khu vực do vậy hàng năm thu hút vài ngàn du khách tới Lễ hội Chùa.
2. Cụm di tích: Đình, Chùa Dưỡng Thái xã Phúc Thành
* Đình Dưỡng Thái được xây dựng để thờ Thần hoàng làng Nguyễn Thụy Hường, người có công giúp vua Lý đánh giặc Tống xâm lược thế kỷ XI. Đình nằm trên một mảnh đất cao ráo, phía trước mặt là con sông Vận Lương nay gọi là sông Thái. Đình được khởi dựng vào năm 1883, trên thượng lương còn ghi rõ "Hoàng triều Kiến Phúc nguyên niên tuế thứ giáp thân niên bát nguyệt sơ thập cát nhật lương thời trụ trụ thượng lương" (Dựng thượng lương và năm Kiến Phúc nguyên niên tháng 8 ngày 10 năm 1883). Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian đại bái 2 gian dĩ và 3 gian hậu cung. Đây là một di tích được khởi dựng thời Nguyễn nên kiến trúc mang đậm nét phong cách thời Nguyễn. Bốn góc đao cong, các phù điêu hình rồng, phượng, kìm và đặc biệt là mũi đao được trang trí phù điêu đất nung thời Lê.
* Chùa Dưỡng Thái có tên chữ "Cảnh linh tự" tên Nôm là "Chùa Oi" được xây dựng vào năm 1690. Chùa cách Đình khoảng 300m về phái tây, đây là ngôi chùa đẹp, hạng mục như tam quan, tiền đường, thượng điện đều là công trình nghệ thuật đặc sắc, cổ kính, được kiến tạo theo kiểu chồng rường đấu sen, hiện tại chùa có 6 gian tiền đường và 3 gian thượng điện.
Căn cứ vào những giá trị lịch sử, năm 1995, Đình chùa Dưỡng Thái được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay, cụm di tích đình, chùa đang được từng bước trùng tu, tôn tạo. Lễ hội hàng năm mở vào các ngày 10 + 11 + 12 tháng giêng (âm lịch).
3. Đình Kiên Lao thuộc xã Đại Đức.
Nơi đây được xây dựng để thờ hai vị Thần hoàng làng là Đào Công Chiêu và Đào Công Hiển có công đánh giặc Tống ở thế kỷ X. Nơi đây còn lưu giữ được 2 cuốn thần phả và 12 đạo sắc phong thời Lê và thời Nguyễn phong cho hai vị Thần hoàng làng và nhiều cổ vật và đồ thờ có giá trị như: Khám thờ thời Nguyễn, 3 bức đại tự, 3 câu đối, 3 hương án thời Nguyễn….
Công trình được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi, trên nóc đắp hai con kìm, giữa hình lưỡng long chầu nguyệt, đình mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Căn cứ vào những giá trị lịch sử, năm 1995, Đình Kiên Lao được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia, hiện nay, ngôi đình đang được từng bước trùng tu, tôn tạo.
Lễ hội hằng năm được tổ chức vào ngày 15/11 (Âm lịch).Có tục tế thần, rước kiệu rất đặc sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống được nhân dân và du khách ngưỡng mộ. Hiện nay Lễ hội đã được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch hoàn thiện Hồ sơ, kịch bản Lễ hội điểm và đã tiến hành tổ chức Lễ hội theo đúng kịch bản từ năm 2012.
4. Di tích Đình Lương Xá (Kim Lương)
Đình Lương Xá thờ ông Đào Nhã là người có công giúp nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ 13; Công lao của ông đã được ghi trong thần tích, sắc phong, câu đối hiện còn và lưu giữ tại di tích, được ghi trong thần tích, sắc phong, câu đối hiện còn và lưu giữ tại di tích. Đình còn phối thờ bà Trần Thị Hường người ủng hộ phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19. Đình Lương Xá khởi dựng vào cuối thế kỷ 19, trùng tu lớn vào năm 1930. Di tích kiến trúc khá đồng bộ từ Đại bái, Hậu cung và Giải vũ, là một di tích có quy mô lớn, có nhiều mảng chạm khắc, phù điêu đạt trình độ nghệ thuật cao. Với lối kiến trúc này, giúp chúng ta nghiên cứu lịch sử điêu khắc cổ Việt Nam. Căn cứ vào những giá trị lịch sử, năm 2001, Đình Lương Xá được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đối với địa phương, đình Lương Xá không chỉ là nơi tôn thờ người có công với nước, nơi đây còn ghi dấu ấn trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Là nơi ghi dấu ấn văn hoá, tín ngưỡng làng xã khá đậm nét. Nghiên cứu lịch sử di tích đình Lương Xá là mang lại cho chúng ta nguồn tư liệu quý giá, trong việc tìm hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Lễ hội có tục rước tế thần theo phong tục lâu đời của nhân dân địa phương được tổ chức vào ngày 8/3 (âm lịch). Hiện nay Lễ hội đã được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch hoàn thiện Hồ sơ, kịch bản Lễ hội điểm và đã tiến hành tổ chức Lễ hội theo đúng kịch bản từ năm 2014.
II. Di tích lịch sử cấp Tỉnh
1. Đền, chùa Kim Lộc - Thị trấn Phú Thái
Đền Chùa Kim Lộc là 1 trong 14 di tích lịch sử văn hoá xếp hạng cấp Tỉnh của huyện Kim Thành. Đồng thời là 1 trong 2 di tích được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2013 của huyện nhà. Đây thực sự là niềm vinh hạnh của Đảng bộ và nhân dân Thị trấn Phú Thái.
Đền Chùa Kim Lộc trước đây nguyên là một ngôi chùa có tên là Đền Tru và Chùa Kim Lộc. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, khu di tích Đền Chùa Kim Lộc là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của làng Bất Nạo, nơi hội họp, huấn luyện và hoạt động của đội quân du kích tự vệ xã Kim Anh (theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Kim Anh năm 2008). Vào những năm 1947 – 1950, di tích bị thực dân Pháp bắn phá, bị hư hỏng hoàn toàn.
Đền Kim Lộc tôn thờ thành hoàng làng là Phạm Cảnh Lương, đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1469), có công giúp vua Lê Thánh Tông đánh thắng quân Chiêm Thành ở đất Quảng Nam được phong Thiếu Bảo Liên Khê Hầu và bà Phạm Thị Quý (Quỳnh Phương Tiên Phi Công Chúa – Bà Chúa), chị gái của tiến sĩ Phạm Cảnh Lương. Ngoài ra, Đền Kim Lộc còn có ban thờ Mẫu. Đây cũng là một trong những tín ngưỡng văn hóa tâm linh lâu đời của người dân Việt Nam.
Chùa Kim Lộc là nơi thờ Phật theo phái Đại Thừa, một thiền phái phổ biến tại các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam.
Đền Chùa Kim Lộc được xây dựng ở vị trí trung tâm của thôn, trên một khu đất bằng phẳng. Phía trước và sau khu di tích đều giáp với khu dân cư. Cụm di tích là thiết chế văn hóa tâm linh, nơi giáo dục truyền thống của cộng đồng nhân dân, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân sở tại.
Lễ hội truyền thống của làng Đồng Văn hiện nay nói chung và cụm di tích Đền Chùa Kim Lộc nói riêng nằm trong lễ hội truyền thống của cả một quần thể di tích gồm đình, chùa, đền, miếu thuộc làng Bất Nạo cũ (gồm cả Thị trấn Phú Thái và xã Kim Anh) với nhiều nghi thức, nghi lễ trang trọng và là một trong những lễ hội lớn tiêu biểu của dân cư nơi đây. Lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 8 và mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, ngày chính hội là ngày mồng 9. Trong lễ hội có rước, tế lễ và tổ chức các trò chơi dân gian. Ngoài lễ hội chính, trong năm còn có một số sự lệ khác như ngày mồng 8 tháng giêng: Xuân tế; ngày mồng 10 tháng giêng: Hội lão tế thần; ngày mồng 8 tháng hai: giỗ Đức thánh cả Lợi Sinh cư sĩ và Lợi Dụng cư sĩ; ngày mồng 5 tháng 5: ngày sinh của tiến sĩ Phạm Cảnh Lương; ngày 15 tháng 6: giỗ bà Quỳnh Phương Tiên Phi Công Chúa Phạm Thị Quý; ngày 15 tháng 8: giỗ tiến sĩ Phạm Cảnh Lương; ngày 10 tháng 10: lễ thường tân (xôi mới). Ở chùa, có ngày mồng 3 tháng 3: giỗ Mẫu; ngày mồng 1 tháng 4: lễ vào hè; ngày mồng 8 tháng 4: ngày Phật Đản; ngày 15 tháng 7: lễ Vu Lan (ngày xá tội vong nhân); ngày mồng 7 tháng 2 và ngày 19 tháng 9: giỗ Tổ. Hiện nay, lễ hội chính của cụm di tích Đền Chùa Kim Lộc được tổ chức vào ngày mồng 5, mồng 6 tháng giêng. Các ngày lễ tiết khác tại Đền Chùa vẫn được giữ nguyên.
Căn cứ kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu về lịch sử vùng đất, nhân vật được tôn thờ và hệ thống bia ký hiện lưu giữ tại di tích, thì Đền Chùa Kim Lộc được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Chùa Kim Lộc được xem là một ngôi chùa lớn trong vùng, nằm trong một quần thể các công trình kiến trúc phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, cụm di tích đã bị phá trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hiện nay, Đền được phục dựng còn đơn sơ. Chùa có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường và 2 gian thượng điện, chất liệu gỗ tứ thiết. Hệ thống các con rường, đấu vuông, ván mê, bẩy hiên được chạm khắc hoa văn là lật, đề tài tứ quý có giá trị kĩ, mỹ thuật cao, mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn. Cụm di tích hiện còn lưu giữ một số di vật, cổ vật có giá trị về mặt niên đại và nghệ thuật thời Lê và Nguyễn như: 02 tấm bia đá có niên đại tuyệt đối năm 1502 do chính tiến sĩ Phạm Cảnh Lương soạn; bia và mộ tháp thời Nguyễn, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Hoa, mâm bồng,…
Đặc biệt giá trị của cụm di tích là việc lưu giữ tấm bia đá hộp, do chính tay tiến sĩ Phạm Cảnh Lương đề được đặt tại mộ của chị gái mình là Quỳnh Phương Tiên Phi công chúa Phạm Thị Quý hay còn gọi là Bà Chúa (Bà là người có công nuôi dậy và có ảnh hưởng lớn đến nhân cách, con người Tiến sĩ Phạm Cảnh Lương). Bia được làm bằng chất liệu đá theo kiểu hình hộp. Gồm 2 tấm có gờ chồng khít vào nhau. Bia thứ nhất cao 59,5 cm, rộng 42 cm, dầy 07 cm, có dáng hình chữ nhật đứng, dẹt, xung quanh thành cao, trơn không hoa văn, lòng bia trũng hình máng, không mài nhẵn. Ở chính giữa khắc một dòng chữ Hán to, rõ ràng. Nội dung ghi: "Hoàng Việt Kinh Bắc Thừa Ty lại thê Phạm thị chi mộ" tức là Mộ của bà họ Phạm là vợ của quan lại Thừa Ty Kinh Bắc thời Hoàng Việt.
Tấm bia đá thứ hai cao 59 cm, rộng 42,5 cm. Bia hình chữ nhật đứng, dẹt, xung quanh trơn không hoa văn, lòng bia nổi, xung quanh sâu xuống 02 cm. Phía trên tấm bia có ghi: "Tiền Kinh Bắc Thừa Ty lại Liên Hồ tiên sinh Lê thị thê mộ chí" tức là: Mộ chí vợ Quan Thừa Ty Lại Kinh Bắc Liên Hồ tiên sinh họ Lê. Nội dung văn bia khoảng 700 chữ bằng chức Hán. Bia do chính Tiến sĩ Phạm Cảnh Lương soạn năm 1502.
Nội dung tấm bia chủ yếu tập trung nói thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và ca ngợi đức độ, phẩm hạnh bà Phạm Thị Quý từ khi còn nhỏ đến khi lập gia đình và mất đi. Qua lời văn cũng có thể xem là lời khóc thương của tiến sĩ Phạm Cảnh Lương đối với chị gái của mình, chúng ta dường như thấy lại được toàn bộ những phẩm chất, đức hạnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam xưa đó là: “công, dung, ngôn, hạnh”. Trong văn tế ngày giỗ bà ngày 15 tháng 6 cũng nói bà là một phụ nữ có phẩm chất cao quý "Tôn linh công chúa trong suốt tựa băng sương, tên vang như ngọc, chất lưu muôn thủa". Đối gia đình bà luôn giữ trọn đạo hiếu dâu con, làm rạng danh gia tộc: "Phàm đạo làm con, làm vợ, làm mẹ, chị đều rất hiếu thảo hiền từ, cần kiệm, đức hạnh, hòa mục, cung kính nhân nghĩa đầy đủ cả". Đối với chồng là Quan Thừa ty sứ Kinh Bắc - Hồ Sĩ tiên sinh bà được coi là "nội tướng" giúp chồng được nhiều việc. Vì vậy mà trong suốt thời gian làm quan của mình, Hồ Sĩ tiên sinh - chồng bà được xem là người nổi tiếng khí tiết nhà nho, là vị quan giỏi, thanh liêm, cẩn thận. Riêng đối với tiến sĩ Phạm Cảnh Lương, bà có công nuôi dạy, động viên khuyến khích Phạm Cảnh Lương đèn sách. Phạm Cảnh Lương sau đỗ đạt cao, có nhiều công danh, tiến thân hiển đạt trên đường hoạn lộ, cũng một phần công lao của bà. Văn tế ngày giỗ ca ngợi "Bà vừa là chị lại kiêm cả đạo làm mẹ". Chính vì thế, lời văn nội dung của tấm bia mộc mạc mà thấm đã tình người, thể hiện được niềm tiếc thương và biết ơn vô hạn của một người em đối với chị. Lời khóc chị của ông cũng như là lời nhắc nhở chính mình sống sao cho thật tốt, để xứng đáng với dòng tộc, với người chị đã yêu thương mình hết dạ, hết lòng. Nội dung văn bia nói về bà Phạm Thị Quý nhưng đọc lên chúng ta một lần nữa thấy được con người, sự nghiệp cũng như nhân cách, đức độ của Tiến sĩ Phạm Cảnh Lương. Nếu không có một tấm lòng bao dung, độ lượng, một đức độ, tài trí hơn người thì Phạm Cảnh Lương có viết ra được những lời văn như vậy?. Những lời răn dạy của người chị gái đối với ông khi ông làm quan không thuận lợi, thường đi giao du đây đó, chị khuyên phải giữ mình, chuyên cần học tập. Đến khi đỗ Tiến sĩ làm quan Hiệu lí Tri huyện, Ngự sử, Hiến sát sứ, mỗi khi nhậm chức chị đều căn rặn làm quan chớ có tham lam; trong đời thường thì chớ có kiêu căng, mắng nhiếc, hại người,...Thử hỏi nếu ông không nghiêm túc thực hiện những lời răn dạy đó, hẳn bây giờ viết những lời này cho chị gái, ông có còn nhớ?.
Tấm bia thực sự không chỉ có ý nghĩa về mặt niên đại (niên đại tuyệt đối 1502), được xem là một trong những loại hình bia ký hiếm gặp thời Lê còn đến ngày nay, mà còn có giá trị về mặt tư liệu lịch sử và văn hóa. Thông qua hai tấm bia đá này mà lịch sử nhân vật được thờ tại di tích Đền Chùa Kim Lộc ngày càng được thêm sáng tỏ, con người và nhân cách của nhân vật được tôn thờ càng được khẳng định rõ ràng. Và, hơn hết là nội dung tấm bia mang tính nhân văn sâu sắc. Nội dung tấm bia đã không chỉ thể hiện được tình cảm, niềm trân trọng và tiếc thương vô hạn của một người em đối với chị của mình, mà nó còn thể hiện tình nghĩa sâu sắc giữa con người với con người. Những lời căn rặn, nhắn nhủ, khuyên bảo mà người chị gái dành cho Phạm Cảnh Lương đến nay đọc và suy ngẫm vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là trong xã hội hiện nay khi mà "tình người" được một số người xem như là một món đồ "xa xỉ".
Với những giá trị lịch sử văn hóa mang trong mình, ngày 25 tháng 01 năm 2014, cụm di tích Đền Chùa Kim Lộc đã được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 430/QĐ-UBND, xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.