I. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và xã hội
Kim Thành nằm ở phía đông tỉnh Hải Dương, phía Bắc giáp thị xã Kinh Môn, phía Tây giáp huyện Thanh Hà và thành phố Hải Dương, phía Đông nam giáp huyện An Dương – Hải Phòng, Kim Thành có vị trị địa lý tự nhiên thuận lợi, với diện tích tự nhiên 115,64 km2, trong đó diện tích canh tác là 14.552 ha, còn lại là diện tích thổ cư, ao hồ và kênh rạch; Dân số tính đến năm 2021 là trên 139.061 người, mật độ dân số bình quân 1.103 người/ km2. Kim Thành được bao bọc bởi hệ thống sông Kinh Môn, sông Rạng, sông Lai Vu, sông Lạch Tray với chiều dài bao quanh 55 km, rất thuận tiện cho việc tưới tiêu, phát triển kinh tế và giao thông đường thủy. Huyện có đường sắt và Quốc lộ 5 đi qua với chiều dài 16 km nối 3 thành phố Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng, có Quốc lộ 17B dài 14,5 km nối liền với An Dương – Hải Phòng, tỉnh lộ 389 dài 1,5 km nối liền với Đông Triều, Quảng Ninh là điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận.
II. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025
Nhận định giai đoạn 2022- 2025 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, bên cạnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội, huyện nhà còn tập trung triển khai nhiều công việc quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025. Để hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân phải tập trung cao độ, khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp với phương châm “thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” trên các nội dung trọng tâm sau đây:
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu tổng quát.
Tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền. Phát triển kinh tế theo hướng CNH-HĐH, nâng cấp chất lượng tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số để phát triển nhanh, bền vững. Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; một số dịch vụ có lợi thế, chất lượng cao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, mức sống nhân dân. Củng cố vững chắc quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh, an toàn xã hội.
1.2. Mục tiêu cụ thể
Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; đồng thời, thực hiện mục tiêu kép, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch Coivd-19. Nâng cao năng lực thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển toàn xã hội. Quyết liệt thực hiện các dự án lớn, quan trọng của huyện. Phát triển kinh tế đi đôi với bền vững, toàn diện và gắn với bảo vệ môi trường; quan tâm phát triển văn hóa và lĩnh vực xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
- Giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản tăng bình quân 02% năm.
- Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 13,2%/năm.
- Giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân 11,5%/năm.
- Đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 110 triệu đồng/người/năm.
- Đến năm 2025 cơ cấu lao động: Nông nghiệp-Thuỷ sản: 15,2%; Công nghiệp-Xây dựng: 55,3%; Dịch vụ 29,5%.
- Đến năm 2025 giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đạt 210 triệu đồng/ha.
- Số doanh nghiệp được thành lập mới hằng năm: 35 doanh nghiệp/năm.
- Năm 2025 có 10 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
- Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm tăng trên 10% so với kế hoạch tỉnh giao.
- Đến năm 2025 có 100% phòng học kiên cố, 100% trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; trong đó, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 02: Mầm non 50%, Tiểu học 61,1%, Trung học cơ sở 44,4%. Trung học phổ thông 33,3%.
- Đến năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 55%.
- Đến năm 2025, giảm 4/5 số hộ nghèo theo chuẩn mới.
- Hằng năm duy trì 100% thôn, khu dân cư văn hoá, trên 90% cơ quan văn hoá, trên 90% gia đình được công nhận “Gia đình văn hoá”.
- Đến năm 2025, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, 100% rác thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải nguy hại được thu gom xử lý theo quy định; 100% cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 100% các doanh nghiệp thuộc đối tượng được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin: Trên 99%/ năm.
- Mỗi năm tạo việc làm mới 2.500 lao động.
- Năm 2025, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 80%;
- Đến năm 2025 xây dựng 01 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV đồng bằng (Phú Thái) và 02 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại V đồng bằng (Đồng Cẩm, Cộng Hòa).
3. Nhiệm vụ, giải pháp
3.1. Công tác phòng chống dịch
Xác định phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, coi bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, kiểm soát chặt chẽ, thích ứng linh hoạt các biến chủng mới của dịch Covid-19 gắn với chủ động các phương án để tổ chức điều trị hiệu quả các ca bệnh. Đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 để đạt được miễn dịch cộng đồng theo kế hoạch.
3.2. Lĩnh vực kinh tế
a) Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, khung lịch thời vụ, cơ cấu giống; Tăng cường chỉ đạo khắc phục tình trạng bỏ vụ, bỏ ruộng, vận động, tuyên truyền nhân dân cấy hết diện tích; thực hiện tốt công tác dự báo, phòng ngừa, xử lý hiệu quả sâu bệnh hại cây trồng, tổ chức việc đánh diệt chuột hiệu quả bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Tăng cường trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo đề án của tỉnh, chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích tụ ruộng đất để triển khai phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và xây dựng các mô hình trình diễn giống cây, con mới; hỗ trợ làm nhà màng, nhà lưới... Tiếp tục thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng năm 2030” (OCOP); triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ xây dựng quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể nếp Quýt Kim Thành”, đề án “Phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020-2025” của huyện. Chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, chủ động chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo vệ hành lang đê điều, xử lý nghiêm các vi phạm về đê điều; điều hành hệ thống thủy nông đảm bảo cung cấp đủ nước cho lúa, cây mầu. Chủ động thực hiện các biện pháp chống úng nội đồng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm các công trình thủy lợi.
Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Giao chỉ tiêu phấn đấu xây dựng 10 xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao trong đó có 03 xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu.
b) Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025:
- Đề án “Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, nâng cao hiệu quả giá trị gia tăng, với các sản phẩm chủ lực của huyện giai đoạn 2020-2025”;
- Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện, giai đoạn 2020 - 2025”;
- Đề án “Đẩy mạnh đô thị hóa, tập trung nguồn lực phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025”;
- Đề án “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường giai đoạn 2020-2025”;
- Đề án “Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm”;
- Đề án “Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề, tạo việc làm mới cho người lao động; thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội giai đoạn 2020-2025”;
- Đề án “Đẩy mạnh các biện pháp kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông và phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tệ nạn xã hội giai đoạn 2020 – 2025”;
- Đề án “Xây dựng lực lượng Công an xã chính quy hoạt động hiệu quả, bám sát địa bàn, vì nhân dân phục vụ giai đoạn 2020 – 2025”;
- Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo huyện Kim Thành giai đoạn 2020 – 2025”;
- Đề án “Xây dựng khu vực phòng thủ huyện giai đoạn 2020-2025”;
- Đề án “Nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp và chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2020 - 2025”.
c) Tổ chức khai thác và quản lý hiệu quả Quy hoạch vùng huyện, Quy hoạch điều chỉnh mở rộng thị trấn Phú Thái và Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030; quy hoạch chung các xã, thị trấn. Huy động nguồn lực xây dựng các công trình trọng điểm: cầu Kim Liên - Kim Tân; dự án đầu tư xây dựng nút giao lập thể với QL5 tại xã Kim Xuyên; Đường trục Đông- Tây huyện Kim Thành; Xây dựng đường gom đường sắt Hà Nội- Hải phòng, huyện Kim Thành…
d) Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và quyết liệt xử lý triệt để, dứt điểm các vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh công tác đấu giá chuyển quyền sử dụng đất để tăng thu ngân sách dành cho đầu tư phát triển.
- Khẩn trương triển khai hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của huyện thời kỳ 2021-2030. Rà soát nhu cầu sử dụng đất dành cho phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần triển khai thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất 2021-2030. Tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên đất đai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong công tác thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đôn đốc việc triển khai, thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn huyện; tăng cường kiểm tra, xử lý và báo cáo các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí đất đai.
e) Điều hành ngân sách một cách linh hoạt, chủ động, cân đối thu chi ngân sách đảm bảo các khoản chi thiết yếu, chi đầu tư phát triển tiết kiệm, hiệu quả.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn, bảo đảm các năm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn giao của các cấp ngân sách và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp và chủ đầu tư trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư.
3.3. Lĩnh vực văn hoá - xã hội:
a) Triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học, nâng cao chất lượng dạy và học; thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và kế hoạch phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2019- 2025; tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo huyện Kim Thành giai đoạn 2020-2025”. Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển giáo dục; Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, trang thiết bị giáo dục, duy trì và nâng cao chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia.
b) Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng đảm bảo tiêm hết số lượng văc xin được phân bổ, an toàn, đúng tiến độ. Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia y tế; duy trì và tăng cường các hoạt động truyền thông, thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm và các cơ sở hành nghề y dược tư nhân; tăng cường công tác y tế dự phòng, chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh. Duy trì, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh tại tất cả các đơn vị.
c) Xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống cơ sở vật chất văn hoá, thể thao. Duy trì, phát triển các tiêu chí làng, khu dân cư văn hoá, gia đình văn hoá. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương; thông tin kịp thời các văn bản quy định của nhà nước để nhân dân được biết, thực hiện. Đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng; tham gia các hội thi, hội diễn do tỉnh tổ chức; Tăng cường kiểm tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội.
d) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người, gia đình người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với nhu cầu xã hội. Thực hiện tốt các chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo, chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức về công tác bình đẳng giới. Thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống các tệ nạn xã hội; thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi hằng năm.
3.4. Lĩnh vực thanh tra, tư pháp, quốc phòng và an ninh.
a) Thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh địa phương; duy trì nghiêm công tác trực sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo quy định. Tiếp tục thực hiện Đề án Xây dựng khu vực phòng thủ huyện. Làm tốt công tác nắm, quản lý, phúc tra, rà soát nguồn sẵn sàng nhập ngũ và thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển quân hằng năm đảm bảo đúng chỉ tiêu giao. Thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thực hiện tốt chính sách quân đội, hậu phương quân đội và chính sách người có công theo quy định.
Bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự ATXH trên địa bàn. Chủ động nắm chắc và giải quyết ổn định tình hình an ninh nông thôn, an ninh kinh tế, an ninh tôn giáo, nhất là địa bàn có diễn biến phức tạp; ngăn chặn, đấu tranh các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và đối tượng cơ hội chính trị; đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị- văn hóa. Thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông. Tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng lực lượng Công an xã chính quy hoạt động hiệu quả, bám sát địa bàn, vì nhân dân phục vụ giai đoạn 2020 – 2025”, Đề án “Đẩy mạnh các biện pháp kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông và phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tệ nạn xã hội” giai đoạn 2020 – 2025”.
b) Thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và thực hiện tốt công tác thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất để kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nghiêm kết luận sau thanh tra. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác hành chính tư pháp, trợ giúp pháp lý, công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
3.5. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp trên các lĩnh vực. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong đó chú trọng tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính... Tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, chế độ hội họp và chất lượng thông tin báo cáo, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức thi hành công vụ.
Chỉ đạo đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tiếp tục rà soát, thực hiện chế độ tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/NĐ- CP của Chính phủ, chuyển đổi vị trí việc làm của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện theo hướng dẫn của cấp trên. Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nhất là hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện và các xã, thị trấn.
Duy trì thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với Thường trực HĐND, các Ban xây dựng Đảng Huyện ủy, MTTQ và các đoàn thể huyện. Phối hợp thực hiện tốt các hoạt động tiếp xúc cử tri với Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn và đại biểu HĐND các cấp theo đúng quy định… Chỉ đạo giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri theo quy định./.