Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình lịch sử cách mạng và di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Di tích Tháp đá Cửu phẩm liên hoa, địa chỉ: xã Kim Tân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

Di tích Tháp đá Cửu phẩm liên hoa, địa chỉ: xã Kim Tân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
​​
Di tích Tháp đá Cửu phẩm Liên hoa
  1. Thông tin chung về di tích​
          Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa nằm trong Chùa Khánh Quang, có niên đại từ thời Nguyễn (thế kỷ XIX) là một di tích thuộc thôn Thiên Đông, xã Kim Tân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Đi từ thị trấn Phú Thái theo đường Quốc lộ 17B (cũ là đường Tỉnh lộ 188) khoảng 6 km, đến ngã tư Kim Đính rẽ trái, đi khoảng 3 km là đến di tích Chùa Khánh Quang (tên Nôm là chùa Gạo).
         Tháp Đá Cửu Phẩm Liên Hoa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 39/2002/QĐ-BVHTT, ngày 30/12/2002.
           2. Lịch sử và kiến trúc xây dựng di tích
          Chùa Khánh Quang hiện còn 09 tháp mộ gồm (05 tháp gạch và 04 tháp đá), có ghi chép khá nhiều bia, nội dung về thân thế, sự nghiệp và công lao của các vị thiền sư trụ trì tại chùa. Trong đó, Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa được đánh giá là công trình tôn giáo “độc nhất vô nhị" của tỉnh Hải Dương và là công trình hiếm có của cả nước.
         Tương truyền, tháp được khởi dựng từ cuối thế kỷ XVIII. Mô hình lúc đầu được dựng từ chất liệu tre, nứa. Trải qua mưa nắng, cửu phẩm bị mục nát. Sang thế kỷ XIX, cùng với việc xây dựng lại chùa Khánh Quang với quy mô lớn, tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cũng được dựng và tồn tại cho đến ngày nay, chưa một lần được tu sửa.
Mặt tháp quay về hướng Đông, phía tây phía Nam giáp ruộng canh tác, phía bắc giáp khu dân cư. Tháp được xây dựng bằng chất liệu đá với lối kiến trúc điêu khắc độc đáo, kiến tạo dựa trên nền cơ sở toán học và nghệ thuật kiến trúc của dân tộc gồm 9 tầng đặt trên bậc tam cấp bằng đá khối ghép lại chắc chắn và hoàn hảo với 3 phần chính: bệ, thân và chóp.
          * Phần bệ tạo dáng tam cấp được tạo ra từ những kiến đá khối sau ghép lại, mỗi bậc được ghép thành theo hình lục giác đều, các mối ghép khít vào nhau tạo thành các bậc chắc chắn.
          Bậc 1: cao 41 cm mỗi cạnh dài 161 cm ghép thành 8 phiến đá.
          Bậc 2: cao 38 cm mỗi cạnh dài 140 cm ghép bằng phiến đá.
          Bậc 3 cao 36 cm mỗi cạnh dài 120 cm ghép thành 6 phiến đá
Bậc tam quan theo hướng nhỏ dần từ dưới lên trên tạo thành các lục giác đều chắc chắn và nghệ thuật.
          * Phần thân tháp gồm 9 tầng được tạo dựng theo phương thẳng đứng với lối “Thượng thu hạ thách".
          Tầng thứ 1: Các phiến đá được ghép dọc theo hình lục giác, tầng này cao 125 cm mỗi cạnh dài 100 cm, phía trên tạo thành mái cong có 6 góc đao, điêu khắc theo kiểu đao trĩ. Phần mái cũng ghép bằng 6 phiến đá nằm ngang, tạo thành mái cong có nhiều đường chỉ kép nghệ thuật. Ở tầng 1, 6 cạnh đều được chạm khắc hoa văn khá công phu và theo một phong cách: Bao gồm trạm khắc hai lọ hoa có cắm hoa cúc đang nở, phía trong có hoa văn tay mướp và hoa văn chữ triện, phía dưới và trên có hoa văn cánh sen và hoa văn sóng nước làm diềm. Các bức chạm khắc khá mềm mại và hết sức đặc biệt ở chỗ 6 mặt đều có bia kích thước (42 x 45) cm chạm bài vị dòng chữ Hán “Nam mô thập phương thường trụ tam bảo" “Nam mô thập phương thường dừng lại ở Tam bảo" Đây là một câu trong kinh Phật các nét chữ viết khá đẹp và rõ ràng.
          Tầng thứ 2: Gồm 6 phiến đá được lắp ghép theo hình lục giác đều, các phiến đá này đều có kích thước nhỏ hơn các phiến đá của tầng 1 mỗi cạnh của lục giác cũng nhỏ hơn (Mỗi cành dài 83 cm) 6 phiến đá được ghép dọc có chiều cao 120 cm. Phần mái đao cong được tạo dáng như tầng 1. Việc trang trí hoa văn tầng 2 giống như tầng 1, nhưng các đường chạm nét, sắc và mềm mại hơn. 
          Tầng thứ 3: Tầng này cũng gồm 6 phiến đá ghép dọc tạo hình lục giác mỗi cạnh dài 80 cm và chiều cao của tầng này là 120 cm, cũng giống như tầng 1 và 2 phần mái của tầng này tạo sáu góc đao ở chính giữa mối ghép của lục giác. Phần mái cũng bằng 6 phiến đá nằm ngang, nhưng các mối ghép lại vào chính giữa cạnh lục lăng, chính kết cấu theo phương pháp này tạo cho thế của Cửu phẩm thêm chắc chắn không thể bị xô lệch với bất cứ thời tiết nào.
Tầng thứ 4,5,6: Kích thước của các tầng này nhỏ dần Nhưng chỉ chênh nhau 5 cm, (Tầng 4 mỗi cạnh dài 75 cm chiều cao 115 cm, tầng 5 mỗi cạnh dài 75 cm chiều cao 110 cm, tầng 6 mỗi cạnh dài 65 cm chiều cao 105 cm). Ở các tầng này các phiến đá đều được lắp ghép theo kiểu dọc và ngang mô tít trang trí giống hệt nhau, chỉ khác một chi tiết là ở trên các bia bài vị không phải là các hoa văn trang trí, mà thay vào đó là 6 con chim phượng, ở 6 mặt các con chim Phượng này đều được chạm cách điệu nghệ thuật. Nhìn chung các họa tiết hoa văn chạm của những tầng này đều mềm mại và được tạo từ dưới đất, sau đó lắp ghép lên những tầng cao.
          Tầng thứ 7: Vẫn theo phong cách các tầng dưới, nhưng chỉ có khác là nội dung các chữ Hán đó thay đổi tại giữa các cạnh đều chạm chữ Hán nổi và lớn hơn các chữ Hán ở tầng dưới: 6 cạnh có 6 chữ Hán Nam Mô A Di Đà Phật. Tầng Thứ 7 cao 105 cm mỗi cạnh dài 60 cm.
          Tầng thứ 8: Kết cấu của tầng này cũng theo phong cách các tầng dưới nhưng đặc biệt tầng 8 kích thước cao hơn tầng 7 (tầng 8 cao 110 cm) nhưng các cạnh thì nhỏ lại dần (Mỗi cạnh dài 58 cm). Hoa văn trang trí vẫn theo phong cách của các tầng dưới.
          Tầng thứ 9: Tầng này cao 120 cm mỗi cạnh lục giác dài 55 cm. Đây là tầng trên cùng của Cửu phẩm liên hoa, các bước chạm khắc đều được trang trí đẹp nhưng thưa hơn các tầng dưới. Đặc biệt 6 cạnh được bố trí 4 chữ Hán lớn: Dấu - Ấn  - Của -  Phật, chữ lớn sắc nét và khá rõ ràng các góc đao của tầng này dày hơn các tầng dưới tạo hình mui luyện.
          * Phần chóp: Hình chóp được tạo hình nậm rượu theo quan niệm “Bát quái" của đạo Phật. Chóp cao 100 cm khá đẹp. Đế chóp có ngõng gắn chặt với mái của tầng thứ 9 nên ở trên cao, chóp không bị lay chuyển hoặc biến dạng do tác động của thiên nhiên.
          Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa là công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Tháp được lắp ghép gọn, chắc, hình khối thanh thoát, hợp lý. Các bức chạm khắc hết sức mềm mại, sinh động, nổi trội các mảng hoa văn hóa trang trí đôi lọ song bình cắm hoa cúc, hoa văn chữ Triện, tay mướp. Các nét chữ Hán rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu, mang ý nghĩa tôn giáo rõ rệt và có tính giáo dục cao. Tháp xứng đáng là di sản văn hóa quý giá, cần được bảo tồn, gìn giữ của dân tộc.