Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Di tích Đình Quảng Đạt, thôn Quảng Đạt, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành

Di tích Đình Quảng Đạt, thôn Quảng Đạt, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành.
​1. Thông tin chung về di tích
Đình Quảng Đạt tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, thoáng mát ở trung tâm thôn Quảng Đạt, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Tên Đình Quảng Đạt là cách gọi theo tên của thôn Quảng Đạt.
Đình Quảng Đạt được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo Quyết định số 2477/QĐ-UBND, ngày 20/7/ 2018 tại thửa số 8 (22), số hiệu giấy chứng nhận CM 050151 với tổng diện tích là 4.100 m2 .
 Đình Quảng Đạt được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 11/01/2024 của UBND tỉnh Hải Dương.
Du khách thập phương khi đến tham quan, chiêm bái, vãn cảnh Đình Quảng Đạt, đi theo quốc lộ 5A hướng Hà Nội - Hải Phòng đến Ngã tư Gác Ghi thị trấn Phú Thái rẽ phải đi vào quốc lộ 17B đến ngã tư xã Ngũ Phúc, rẽ phải vào thôn Dưỡng Mông, cạnh UBND xã Ngũ Phúc đi theo đường thôn lên đê 1km rẽ phải khoảng 300m đến di tích Đình Quảng Đạt.

Đình Quảng Đạt, xã Ngũ phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương
2 Lịch sử di tích, nhân vật được thờ
 Theo Thần tích - Thần sắc do Hương lý, Kỳ hào làng Quảng Đạt kê khai năm 1938 lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội, Hiển công và Hằng công là hai nhân thần đã có công đánh giặc Ai Lao; Chân Nương có công “âm phù" vua Trần đánh giặc Mông - Nguyên.
Do có công với nước, với dân, ba vị thành hoàng được triều Nguyễn ban tặng sắc phong, Nhân dân tôn kính, tôn thờ tưởng nhớ tại đình Quảng Đạt.
3. Kiến trúc xây dựng

 
Đình Quảng Đạt được xây dựng vào thời hậu Lê, trùng tu vào thời Nguyễn. Đến đầu thế kỷ XX (khoảng năm 1930), đình được xây dựng lại với quy mô lớn. Với tổng diện tích: 2.486,9 m2 .
 Từ năm 1956 - 1973, đình bị hạ giải trưng dụng làm trường học cấp I và lấy nguyên vật liệu làm đường liên xóm. Năm 2017, trường học di chuyển ra vị trí mới, Nhân dân địa phương đã tôn tạo lại thành ngôi đình làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Năm 2018, với mong muốn mở rộng không gian thờ tự, bằng sự đóng góp của Nhân dân trong thôn, con em xa quê, lòng hảo tâm công đức của các tổ chức, cá nhân, khách thập phương và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, ngôi đình Quảng Đạt được xây dựng lại khang trang trên nền xưa, hướng cũ.
Đình được xây dựng kiến trúc kiểu chữ đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung, xây tường hồi bít đốc, kết cấu khung vì bằng bê tông, cốt thép, sơn màu giả gỗ, các mảng họa tiết hoa văn đắp vẽ theo đề tài lá lật phỏng theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Hiện tại di tích Đình Quảng Đạt còn lưu giữ được 08 đạo sắc phong, 01 hòm sắc, 01 mâm bồng và 03 đế chân ngai có niên đại thời Nguyễn.
4. Lễ hội truyền thống
Hằng năm, lễ hội tại Đình Quảng Đạt được tổ chức trong 2 ngày, ngày 19 và ngày 20 tháng 3 âm lịch. Quy mô do cấp thôn tổ chức, thu hút hàng nghìn người tham gia lễ hội với các hoạt động như bao sai đồ thờ tự, dọn dẹp phong quang di tích, tế lễ,… chương trình giao lưu văn nghệ và các trò chơi truyền thống như chọi gà, bịt mắt bắt dê, cờ người, kéo co,…

 
Ngoài kỳ lễ hội chính, các sự lệ sinh, hóa của các vị thành hoàng, ngày tiết lễ và ngày sóc, ngày vọng,… làng giao cho cụ thủ từ hương đăng, cúng lễ.
Một số phong tục tập quán tốt đẹp được thể hiện trong các hương ước vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay như: Tục mừng thọ người già, tặng quà khuyến học,... ở thôn và các dòng họ tổ chức trong tháng Giêng đầu năm mới hằng năm.
Người dân Ngũ Phúc tự hào về quê hương mình là một vùng quê có nhiều truyền thống tốt đẹp đó là nhờ sự đóng góp, lưu giữ, bảo tồn và xây đắp từ xưa đến nay của cả một cộng đồng và các tầng lớp Nhân dân.