1. Thông tin chung
Chùa Muống (tên tự là Quang Khánh tự) thuộc thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Chùa là trung tâm tôn giáo lớn, là điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Chùa Muống, với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật điêu khắc, giá trị khoa học và các cổ vật đang được lưu giữ, chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, theo Quyết định số 97- QĐ/BVHTT, ngày 21/01/1992của Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Chùa Muống được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CM 050269, ngày 31/7/2018 tại thửa số 6 (28), với diện tích đất sử dụng là 7.870 m2 .
Du khách thập phương khi đến tham quan, chiêm bái, vãn cảnh chùa Muống, đi theo Quốc lộ 5A hướng Hà Nội - Hải Phòng đến ngã tư Gác Ghi thị trấn Phú Thái rẽ phải đi vào quốc lộ 17B đến ngã tư xã Ngũ Phúc, rẽ phải vào thôn Dưỡng Mông, đi lên đường đê, sau đó rẽ trái là tới di tích Chùa Muống.
Chùa Muống, thôn Dưỡng Mông,
xã Ngũ Phúc,huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
2. Lịch sử di tích, nhân vật được thờ
Từ những năm 1245, Dưỡng Mông là vùng đất hoang vu, lau sậy và rau muống mọc khắp nơi. Thủy tổ họ Vương là ông Vương Thiên Huệ (tức nhà sư Tuệ Nhẫn) đã có công khai khẩn đất này từ rất sớm. Sau đó, họ Nguyễn, họ Phùng cũng đến sinh cơ lập nghiệp.
Vương Thiên Huệ là người Dưỡng Mông, thuở nhỏ bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi con. Năm 10 tuổi, ông khắc khổ chuyên cần học tập, 19 tuổi đọc rộng các sách, rồi chán cảnh trần tục, yết kiến Kiêm Tuệ đại sư chùa Báo Ân đi tu. Sau thụ trụ, túc giới hai sư Nghĩa Trụ và Chân Giám, giới hạnh, tài biện hơn người. Nhà sư đã có công chữa khỏi mắt cho vua Trần Minh Tông; được vua Trần Anh Tông và triều đình rất kính trọng, ban cho pháp hiệu là Tuệ Nhẫn Quốc Sư.
Trong thời gian tuyên truyền Phật pháp ở quê hương, ông đã cùng Nhân dân tu tạo chùa Muống. Đây là một ngôi chùa cổ nằm ở tả ngạn sông Rạng, nơi thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập.
Năm Ất Sửu (1325), nhà sư viên tịch. Nhân dân kính trọng gọi là Thánh tổ Non Đông (Thánh tổ Đông Sơn) và tôn là Thành Hoàng làng được đưa vào chùa để thờ phụng.
3. Kiến trúc xây dựng
Chùa Muống đến nay vẫn chưa xác định được thời gian khởi dựng. Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu tại di tích và ý kiến của các bậc cao niên tại địa phương, có thể xác định chùa đã có quy mô lớn từ thời Trần, tồn tại và rất phát triển ở thời Lê và thời Nguyễn với hệ thống các tháp khá đồ sộ. Từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, chùa đã khôi phục được nhiều hạng mục, công trình như Nhà tổ, Tăng phòng, Chùa chính,…
Trong dân gian vẫn lưu truyền nhiều câu ca phản ánh thời kỳ hưng thịnh của chùa Muống như: “Nhịp chùa Lành, canh chùa Muống" (nghĩa là nhịp chuông, mõ chùa Lành và đọc canh ở chùa Muống khó có nơi nào sánh kịp), “Lên chùa Muống, xuống chùa Bùi, lui chùa Gạo, dạo Hải Ninh". Vua Lê Thánh Tông cũng đã từng đến đây và có hai bài thơ chữ Hán và chữ Nôm ca ngợi về vẻ đẹp của chùa Muống, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành.
Chùa Muống, với quy mô 120 gian lớn nhỏ, xây dựng theo kiểu“nội công ngoại quốc" gồm các hạng mục, các công trình như tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà tổ, nhà tăng, hành lang, gác chuông, gác khánh,… được xây dựng bằng gỗ lim, bê tông cốt thép, lợp ngói mũi đỏ,… Hiện tại, chùa còn một vườn tháp sư, gồm 32 tháp sư lớn nhỏ có niên đại từ thế kỷ XVII-XIX, trong đó có 17 tháp ba tầng (cao từ 4m đến 4,7 m) và 15 tháp kiến trúc thấp (cao từ 1,5m đến 2,5 m), đặc biệt có 07 tháp được xây dựng bằng đá xanh. Tháp đá chắc chắn, kiến trúc ghép đá vững chãi, trên cùng bầu đá hình nậm rượu, đáy nậm có tòa sen đỡ, phía tầng các tháp đều có mái che cách điệu cong lên vừa phải. Phần đế xây giật xa dần, tạo cho tháp thêm vững vàng. Từng tháp lại có tên riêng, thường là tên hiệu thiền sư. Bên hông tháp thường có bia ghi tên tuổi nhà sư, ngày mất và ngày nhập tháp.
| Hệ thống tháp đá cổ tại Chùa Muống thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương
|
|
|
Chùa Muống, hiện nay còn lưu giữ được 20 pho tượng cổ được làm bằng đất, nhào với trấu, giấy bản, thân hình cân đối, gương mặt được thể hiện có hồn (gồm tượng Mẫu, Đức Chúa, Tam Thân, Tam Thế, Di Đà, Quan Âm, Thánh Tổ Non Đông, Cửu Long…); 02 câu đối; 02 cửa võng trạm long, li, thông, mai, trúc, cúc; 03 đại tự; 08 sắc phong; 02 khám cao 1,55 m, rộng 1,1m sơn son thiếp vàng và được chạm hình hoa dây nhỏ và đều; 01 bát hương sứ vẽ phong cảnh cao 0,32 m, đường kính 0,30m; 01 chuông đồng cao 0,85m cả quai, đường kính 0,35m và nhiều hiện vật có giá trị như chuông, khánh, bát bửu, long đao, sập, bệ đá,…
4. Lễ hội truyền thống
Lễ hội chùa Muống đã tồn tại và phát triển nhiều thế kỷ, đến nay vẫn tiếp tục được duy trì. Hằng năm, lễ hội được tổ chức trong ba ngày (ngày 24, 25, 26 tháng Giêng âm lịch), thu hút hàng nghìn người trong và ngoài địa phương tham gia.
Lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, náo nhiệt như hội thi giã bánh dầy cho các dòng họ, trò chơi dân gian (đập niêu, đu truyền thống, bịt mắt bắt vịt, nhảy bao bố, cờ tướng, cờ người…), thi đấu bóng chuyền hơi nữ, bóng chuyền da nam, các tiết mục văn nghệ, dân vũ thể thao do các câu lạc bộ của địa phương và các xã bạn về giao lưu biểu diễn.
Lễ hội Chùa Muống là sự gắn kết của hai yếu tố “Thần và Phật", bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của sư tổ Tuệ Nhẫn, vị Thành Hoàng làng, người có công khai khẩn đất đai, lập nên xóm ấp, một vị sư tổ cao tăng rất đáng kính trọng.