Chùa Đồng (Chùa Hưng Long)
1.Thông tin chung về di tích
Chùa Đồng (có tên tự là chùa Hưng Long), tên chùa Đồng là cách gọi theo tên địa danh của thôn Đại Đồng, xã Đồng Cẩm.
Chùa Đồng tọa lạc trên khu đất thuộc địa bàn thôn Đại Đồng, xã Đồng Cẩm, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương với diện tích 2.660m2. Vị trí giao thông đi lại thuận lợi. Từ trung tâm huyện theo Quốc lộ 17B (trước kia là tỉnh lộ 188) đi qua trụ sở UBND xã Đồng Cẩm 200m rẽ trái và đi khoảng 700 m là đến chùa.
Chùa Đồng (chùa Hưng Long) được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định Số 629/QĐ-UBND ngày 07/4/2005.
2. Lịch sử di tích và nhân vật được thờ
Chùa Đồng trước cách mạng là nơi sinh hoạt tôn giáo của của bản xã. Chùa là nơi thờ Phật theo phái Đại thừa, ngoài việc thờ Phật chùa Đồng còn thờ Thánh Tổ Non Đông, người trụ trì tại chùa Muống (Quang Khánh Tự) theo giáo lý của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam do Vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang khai sáng và thờ các nhà sư đã quy y và trụ trì tại chùa, có công trùng tu, tôn tạo mở rộng di tích.
Trong kháng chiến chống Pháp chùa Đồng còn là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của xã Đồng Gia cũ (nay là xã Đồng Cẩm) và qua các cuộc kháng chiến chùa là cơ sở hoạt động của phong trào cách mạng, nơi luyện tập, họp hành, trú ẩn của du kích, bộ đội địa phương.
3. Kiến trúc xây dựng và các di vật cổ
Chùa được khởi công xây dựng từ giữa thế kỷ XIX và trùng tu vào năm Bảo Đại thứ 3 (1928). Trải qua 5 đời chư vị Lịch Đại Tổ Sư, chùa Đồng có kiến trúc kiểu chữ Đinh truyền thống, đây là ngôi chùa đẹp, có các hạng mục như tam quan, tiền đường, thượng điện đều là công trình nghệ thuật đặc sắc, cổ kính, kết cấu các vì kèo theo kiểu chồng rường đấu sen. Các chi tiết như cột cái, cột quân, bẩy hiên, xà nách, các con thuận, câu đầu, trụ, con vành, đấu gòi được chế tác rất công phu. Các xà thượng, xà hạ, hoành, rui đều được soi chỉ. Kết cấu hệ thống giằng ngang và giằng dọc hợp lý, chặt chẽ. Hiện tại chùa có 6 gian tiền đường và 3 gian thượng điện. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo quy mô tuy nhỏ nhưng mang đậm kiến trúc cổ truyền thống, là một tiêu bản quý về kiến trúc cổ Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử chùa đã xuống cấp nghiêm trọng.
chùa Đồng (chùa Hưng Long ) trước chưa được trùng tu
Năm 2015 chùa được xây dựng mới theo giấy cấp phép xây dựng số 813 ngày 01/07/2015 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương. Năm 2023 chùa tiếp tục hoàn thành và đưa vào sử dụng Ngôi Tam Bảo do Thượng Tọa Thích Nguyên Viên và Ban Hội tự điều hành hoạt động dưới sự quản lý của UBND xã Đồng Cẩm.
Chùa Đồng có hệ thống tượng Phật có từ niên đại cùng thời Nguyễn (thế kỷ XIX), đây là những pho tượng đẹp, kỹ thuật điêu khắc và sơn thếp đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Tại hậu cung có 6 lớp tượng Phật được sắp xếp như sau:
Lớp thứ nhất (từ trên xuống): Là lớp tượng Tam Thế có 3 pho tượng giống nhau đó là tượng Quá khứ, tượng Hiện tại, tượng Vị lai, đây là lớp tượng đẹp, nghệ thuật điêu khắc đạt đến trình độ cao. Các pho tượng này đều tạc ở tư thế toạ thiền, hai tay đặt lòng, hai bàn chân lồng vào nhau, chân phải đặt lên đùi trái, tai dài, mắt nhắm, tóc xoáy ốc, đầu để toạ đỉnh, mặc áo cà sa có nhiều nếp gấp, kỹ thuật sơn thếp khá hoàn chỉnh, các pho tượng này đều được sơn son thếp vàng khá đẹp. Tuy nhiên, do thời gian đã có 1 số nơi sơn đã bị bong tróc.
Lớp thứ hai: Có hai pho tượng đó là tượng Nam Tào và tượng Ngọc Hoàng được đặt tại vị trí sát tường 2 bên.
Lớp tượng thứ ba: Ngồi chính giữa đó là Tượng A Di Đà sơn son thếp vàng ngồi ở tư thế toạ thiền. Bên trái là tượng Thiên Vương ngồi trên bệ vuông, đầu đội mũ, hai tay cầm hốt, mặt đỏ, râu dài, quần áo, mũ sơn son thếp vàng khá đẹp. Bên phải là tượng Thế Chí tạc ở tư thế đứng, sơn son thếp vàng.
Lớp tượng thứ tư: Hai vị trí đứng bên trái và bên phải tượng Thích Ca Niệm Hoa là hai vị Thị giả Tuy cùng phong cách, nhưng kích thước của hai vị này lại khác nhau. Ngồi chính giữa lớp tượng này là tượng Thích Ca Niệm Hoa. Điều đặc biệt là các pho tượng này được các nghệ nhân dân gian điêu khắc khá đẹp, lớp sơn son thếp vàng còn khá tốt, lớp tượng này là một trong những lớp tượng đẹp nhất của chùa.
Lớp tượng thứ năm: Chính giữa là pho tượng A Di Đà pho tượng này có thể ở nơi khác đem về sơn son thếp vàng khá đẹp. Bên trái là tượng Tuyết Sơn ngồi trên bệ, với nét chạm khá tinh xảo, miêu tả hình ảnh Thích Ca Mầu Ni tu khổ hạnh ở núi Tuyết Sơn, hai tay đặt úp đầu gối trái, cằm tỳ, xương sườn và gân nổi, mắt nhìn xuống. Bên phải là tượng Quan Âm Tống Tử (Quam Âm Thị Kính) ngồi trên bệ lục giác sơn màu nâu, mặc áo cà sa, tay bế 1 đứa trẻ mặc áo màu xanh.
Lớp tượng thứ sáu: Là toà Cửu Long sơn son thếp vàng mô tả hình ảnh khi Thích Ca ra đời có 9 con rồng phun nước tắm, tại đây có nhiều tượng nhỏ, diễn tả con đường tu hành của Phật.
Tại 2 gian bên của Toà Tiền Đường còn có 2 pho tượng khá đẹp, đó là tượng Đức Thánh Hiền và Đức Ông. Tượng Đức Thánh Hiền ngồi trên bệ vuông, sơn màu nâu. Tượng mặc áo cà sa có nhiều nếp gấp, đầu đội mũ thất phật, nét mặt hiền từ.Tượng Đức Ông mặc áo quan, thắt đai, đầu đội mũ cánh chuồn, ngồi trên bệ vuông. Tượng ngồi trong khám, mặt trước có chạm lưỡng long chầu nguyệt, hổ phù và hoa văn hoa lá, sơn son thếp vàng.
Tượng chùa Đồng đều có chất liệu gỗ mít, được các nghệ nhân sơn thếp vàng công phu, và là những tác phẩm điêu khắc đạt giá trị nghệ thuật cao.
Ngoài hệ thống tượng, tại di tích còn có 3 bức cuốn thư từ miếu mang về:
Bức thứ nhất: Dài 250cm, rộng 100cm sơn son thếp vàng, phía trên có chạm lưỡng long chầu nguyệt, phía dưới chạm hoa đại, chính giữa có 3 chữ: "Thiên thụ hương" (Hương thơm do trời tạo ra) tạo vào năm Thành Thái (1906).
Bức thứ hai: Dài 200cm, rộng 90cm sơn son thếp vàng. Phía trên diềm ngoài chạm lưỡng long chầu nguyệt, đao hoả vân xoắn, phía dưới có hoa sen, 2 bên chạm 2 chim phượng, cuốn thư chữ thọ triện đốc kiếm. Ngoài ra còn có hoa văn triện. Bức cuốn thư này có 8 chữ Hán ca ngợi người được thờ trong miếu làng. Cuốn thư được tạo vào năm 1917.
Bức thứ ba: Dài 180cm, rộng 80cm, sơn son thếp vàng, giữa khắc chữ "Nhật" triện đứng. Cuốn thư dựng vào năm 1930.
Trước đây, khi các hạng mục công trình của chùa Đồng còn đầy đủ, thì đồ thờ tự có khá nhiều. Trải qua chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, các đồ thờ tự đã mất mát khá nhiều, nhất là hệ thống bia ký. Tuy vậy, hiện nay di tích vẫn còn lưu giữ được khá nhiều cổ vật có giá trị ngoài hệ thống tượng và 3 bức Cuốn Thư thì chùa vẫn còn: 2 mâm bồng thời Nguyễn (TK20); 1 cửa võng sơn son thếp vàng (TK20); 1 đại tự nền đỏ chữ vàng (TK20); 1 ngựa gỗ niên đại thời Nguyễn (TK20) từ đình mang về, 1 chuông đồng đúc vào năm Thiệu Trị 2 (1842), 3 bát hương thời Nguyễn (đầu TK20), trong đó có 1 bát hương lớn: Cao 32cm, ĐKM 38cm, men trắng vẽ hoa lam, hình lưỡng long chầu nguyệt, hoa văn sóng nước và vẫn tản cách điệu. Ngoài ra nhân dân còn sắm thêm nhiều đồ tế tự mới khác.
4. Tổ chức lễ hội
Hàng năm, chùa tổ chức Lễ hội vào các ngày 14, 15 tháng giêng (âm lịch) và đã trở thành những ngày lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Đây được coi là ngày thiêng liêng nhất để nhân dân, du khách thập phươngvới tâm thành kính thỉnh sửa biện lễ phẩm kính dâng hương lên đức Phật và các sư tổ trụ trì để bày tỏ lòng thành, nhận lời tâu bày của chúng sinh gia độ cho phật tử cùng gia đình sức khỏe, bình an, nhân khang vật thịnh, mùa màng bội thu, làm ăn thuận lợi. Là dịp để tri ân, tưởng nhớ công đức của các Sư tổ đã dầy công bảo tồn, hưng công vun đắp xây dựng cải tạo và kiến thiết cảnh quan chùa. Lễ hội còn có ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ con cháu hiểu được cội nguồn lịch sử và truyền thống của quê hương, đất nước, giữ gìn nền nếp, gia phong, đạo lý làm người hướng tới cuộc sống Chân - Thiện - Mỹ và thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng trách nhiệm của người dân và chính quyền trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích văn hoá trên mảnh đất quê hương Đồng Cẩm.