Cổng chùa Quang Phúc, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, Hải Dương
1. Thông tin chung về di tích
Chùa Quang phúc (hay còn gọi là Quang Phúc tự, chùa Cam Đông) nằm ở phía Bắc của thôn Cam Đông, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Từ thị trấn Phú Thái đi theo Quốc lộ 5A theo hướng Hải Phòng - Hà Nội khoảng 7km đến ngã ba ga Phạm Xá rẽ phải khoảng 200m đến UBND xã Tuấn Việt, đi theo đường liên huyện đến ngã ba chợ trung tâm của thôn Cam Đông rẽ trái đi hướng Tây Bắc là đến di tích chùa Quang Phúc.
Chùa Quang Phúc có tổng diện tích khuôn viên là 4.920 m2, gồm các hạng mục công trình như: Chùa chính, Nhà tổ, Nhà khách, Ao chùa, Hệ thống sân vườn và công trình phụ trợ.
Chùa Quang Phúc được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 429/QĐ-UBND, ngày 25/01/2014 về kiến trúc nghệ thuật. Đây là ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh thứ 2 của huyện Kim Thành.
2. Lịch sử di tích, nhân vật được thờ
Chùa Quang Phúc là một ngôi chùa cổ có từ lâu đời, ngôi chùa được khởi dựng chính xác vào bao giờ, do ai đứng lên xây dựng thì chưa thấy có tài liệu nào ghi chép lại. Tuy nhiên căn cứ vào kết quả khảo sát, nghiên cứu và hệ thống bia ký lưu giữ tại di tích thì chùa Quang Phúc được trùng tu tôn tạo vào các năm: Hoàng triều Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717), Tự Đức thứ 6 (1853), Hoàng triều vạn vạn niên thứ 7 (1854), Tự Đức thứ 34 (1881) và năm Quý Tỵ (1953).
Theo người dân tại địa phương cho biết, chùa Quang Phúc lúc đầu là một ngôi chùa nhỏ được làm bằng chất liệu tranh tre, được xây dựng ở ngõ Bến ngã ba đầm nước hòn ngọc, cách vị trí ngôi chùa hiện nay khoảng 500m về hướng Đông. Do bị ảnh hưởng của mưa nên hay bị ngập úng, vì vậy chùa được chuyển về khu đồng Bông phía Tây-Bắc làng Cam Đường (tức làng Cam Đông ngày nay).
Trong chùa thờ nhiều tượng Phật lớn như: Hệ thống tượng Tam thế, A Di Đà, Phật bà Quan Âm, tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đầu, tòa Cửu Long,.. Hệ thống hoành phi câu đối, cửa võng, ban thờ được sơn son thếp vàng lộng lẫy, chuông đồng nặng gần 100kg và nhiều di vật, cổ vật khác có giá trị.
Tuy nhiên, trải qua năm tháng cùng với những biến động của tự nhiên và xã hội, đặc biệt là năm 1947, để tiêu thổ kháng chiến, không cho thực dân Pháp đóng quân, xây bốt tại chùa nên chùa Quang Phúc đã bị đốt, tuy không bị cháy hoàn toàn nhưng kết cấu kiến trúc đã bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là hệ thống tựợng, đồ thờ hầu hết đều bị thất lạc. Năm 1953 chùa Quang Phúc được tu sửa lại phần mộc và trở thành nơi hội họp của chi bộ Đảng, mở lớp bình dân học vụ xóa mù chữ cho nhân dân, nơi sơ tán của các lớp học, nuôi dấu cán bộ Việt Minh, thương binh, kho chứa lương thực của xã Việt Hưng thời kỳ chống Mỹ cứu nước,...
3. Kiến trúc xây dựng
Chùa Quang Phúc được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, mặt tiền quay về hướng Nam. Các công trình gồm có: Tam quan hai tầng tám mái, gác chuông, giếng chùa 02 cái, ngôi tam bảo gồm 9 gian rộng khoảng 200m2; tả hữu hành lang ở hai bên Đông - Tây rộng 100m2 (hiện vẫn còn dấu vết); nhà tổ 5 gian rộng khoảng 80m2. Kết cấu kiến trúc các công trình đều được làm bằng chất liệu gỗ, phần mộc được chạm khắc nghệ thuật, các cột đều được làm bằng chất liệu gỗ lim, chân kê trên đá tảng 02 lớp, dưới vuông trên tròn, mái lợp ngói mũi cổ. Phía trước cửa chùa có 2 cây tháp được xây bằng gạch, lưu giữ xá lị của các vị sư trụ trì, thống đá dùng để hóa vàng kiểu hình bát giác. Phía Đông cách chùa khoảng 80m có từ tư vũ là nơi luyện võ. Phía Tây Nam, cách chùa 30m là miếu Cả - nơi thờ các vị thành hoàng làng là Chu Hồi Quang, Chu An Tĩnh và một ngôi miếu nhỏ tôn thờ Tú Khải đều là những người có công dẹp giặc cứu nước thời Lê Sơ. Tất cả tạo thành một quần thể di tích phong phú, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của cả làng.
Trong chùa thờ nhiều tượng Phật lớn như: Hệ thống tượng Tam thế, A Di Đà, Phật bà Quan Âm, tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đầu, tòa Cửu Long,.. Hệ thống hoành phi câu đối, cửa võng, ban thờ được sơn son thếp vàng lộng lẫy, chuông đồng nặng gần 100kg và nhiều di vật, cổ vật khác có giá trị.
Chùa Quang Phúc, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, Hải Dương
Tuy nhiên, trải qua năm tháng cùng với những biến động của tự nhiên và xã hội, đặc biệt là năm 1947, để tiêu thổ kháng chiến, không cho thực dân Pháp đóng quân, xây bốt tại chùa nên chùa Quang Phúc đã bị đốt, tuy không bị cháy hoàn toàn nhưng kết cấu kiến trúc đã bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là hệ thống tựợng, đồ thờ hầu hết đều bị thất lạc. Năm 1953 chùa Quang Phúc được tu sửa lại phần mộc và trở thành nơi hội họp của chi bộ Đảng, mở lớp bình dân học vụ xóa mù chữ cho nhân dân, nơi sơ tán của các lớp học, nuôi dấu cán bộ Việt Minh, thương binh, kho chứa lương thực của xã Việt Hưng thời kỳ chống Mỹ cứu nước,...
Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền nhân dân địa phương nên chùa Quang Phúc được đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo. Năm 1998, dưới sự trụ trì của sư thầy Thích Đàm Đằng, sự hảo tâm công đức của nhân dân và khách thập phương, một lần nữa chùa Quang Phúc tiếp tục được trùng tu lớn bao gồm: Tiền đường, thượng điện, đặc biệt là hệ thống sân vườn được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Năm 2010 xây dựmg 3 gian nhà tổ chất liệu bằng xi măng sơn giả gỗ. Năm 2011 xây dựng nhà khách kiểu mái bằng, chất liệu bằng xi măng cốt thép. Dù vậy, toàn bộ các hạng mục công trình vẫn hài hòa trong tổng thể kiến trúc mà bớt đi sự thô cứng, nặng nề của các vật liệu bê tông cốt thép.
Ngôi chùa chính hiện nay có kiến trúc kiều chữ đinh (J) gồm 7 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, mặt tiền quay về hướng Nam. Phía trước chùa là một khoảng sân rộng, lát gạch, sau bậc tam cấp được làm bằng chất liệu đá xanh, là chùa chính.
Tòa tiền đường gồm 7 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bổ trụ. Bờ nóc, bờ dải được đắp bằng vôi vữa, ở giữa bờ nóc đắp một bức biển tự ghi ba chữ hán: "Quang Phúc tự" (chùa Quang Phúc – cũng có nghĩa là việc tốt càng vẻ vang). Hai bên bức biển tự và hai đầu bờ nóc có trang trí triện tàu lá dắt. Hai hồi phía trước là trụ lồng đèn. Mái lợp ngói mũi hài, móng tường xây bằng gạch chi khá vững chắc.
Phía trước tòa tiền đường có đắp nổi hai trụ xi măng hai bên, trên có ghi hai đôi câu đối viết bằng chữ Hán ca ngợi cảnh chùa và sự cao siêu, màu nhiệm của đức Phật.
Cửa ra vào được làm theo kiểu bức bàn, gồm 4 bộ, chất liệu bằng gỗ được sơn màu đỏ nâu. Hai bên gian áp hồi có hai cửa nghách nhỏ thông ra sân, chỉ được mở khi chùa tổ chức lễ hội hay có việc lớn, cửa ngách cũng được làm bằng chất liệu gỗ, sơn đỏ. Phía sau, sát tường hậu cung của gian giữa có xây những bệ gạch cao đặt tượng thờ.
Bên cạnh đó là hệ thống bẩy hiên cũng được làm bằng chất liệu gỗ, chạm bong kênh hai bên với đường nét tinh xảo, đề tài lá hóa long mềm mại mang tính nghệ thuật cao. Mặt ngoài các đầu bẩy chạm chữ thọ. Tất cả các bức chạm này đều mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Tòa thượng điện gồm 3 gian có kết cấu vì kèo, các vì có kết cấu đầy đủ cho một bộ vì hoàn chỉnh, gồm hệ thống cột cái, cột quân được kê trên đá tảng. Hai bộ vì ngoài có kết cấu giống nhau kiểu thuận chữ công, riêng bộ vì áp hồi hậu cung thay vì một tấm ván mê khép kín có trang trí hoa văn theo cách truyền thống, ván mê tại đây lại được chia thành nhiều ô nhỏ khác nhau, tạo sự sinh động cho không gian kiến trúc. Công trình toà thượng điện không có chạm khắc, chủ yếu là bào trơn đóng bén, hiện còn chắc chắn.
Toàn bộ nền toà tiền đường và thượng điện đều được lát gạch Giếng Đáy vuông đỏ, kích thước (30 x 30) cm sạch sẽ. Bên trong thượng điện xây những bệ gạch cao theo kiểu giật cấp làm nơi bài trí các pho tượng. Hệ thống tượng thờ trong chùa Quang Phúc với tổng số 15 pho có kích thước vào loại trung bình.
Trong khuôn viên của chùa Quang Phúc, ngoài chùa chính còn có nhà tổ được xây dựng lại năm 2001 gồm 3 gian, hệ thống cột và vì kèo được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép giả gỗ.
Bên cạnh đó chùa Quang Phúc hiện còn lưu giữ được một số cổ vật với các chất liệu khác nhau có giá trị như: Chuông đồng, thồng đá, mõ, mâm bồng và hệ thống bia đá,…
4. Tổ chức lễ hội
Lễ hội tại chùa Quang Phúc được tổ chức trong 03 ngày từ 10 đến 12 tháng Giêng âm lịch.
Sáng mồng 10, đại diện các đoàn thể, nhân dân và phật tử trong làng tổ chức ra chùa dọn dẹp, bao sái đồ thờ, cắm cờ, treo băng zôn, khẩu hiệu, bắc rạp,..chuẩn bị lễ hội. Sư trụ trì và các phật tử thì chuẩn bị hương hoa, quả, xôi, oản... làm lễ xin đức Phật cho làng mở hội vui xuân.
Đến sáng ngày 11 trước giờ khai mạc, nhân dân thôn Cam Thượng cách chùa Cam Đông khoảng 600m tổ chức rước bài vị thành hoàng làng Cam Thượng là Chu Viết Hoằng (em trai út của 2 vị thành hoàng làng Cam Đông là Chu Hồi Quang và Chu An Tĩnh là những vị tướng có công đánh giặc ngoại xâm thời Lê Sơ) hoặc rước ảnh đức Phật sang dự lễ. Đoàn rước được tiến hành vào khoảng 5h30 phút sáng, bắt đầu từ đình Cam Thượng và đến khoảng gần 7h là tới chùa Cam Đông.
Lễ hội truyền thống chùa Quang Phúc
Đi đầu đoàn rước là đội cầm cờ, kèn, trống, múa lân, tiếp sau là kiệu hoa quả và kiệu long đình có đặt bài vị thành hoàng hoặc ảnh đức Phật, đi sau là các cụ trong đội tế và nhân dân thôn Cam Thượng. Sau khi đoàn rước của thôn Cam Thương tới, bài vị của thành hoàng được đặt trang trọng trên bàn thờ ngay trước sân chùa. Sau diễn văn khai mạc của đồng chí trưởng ban tổ chức lễ hội, lãnh đạo chính quyền xã, thôn và toàn thể nhân dân cùng khách thập phương vào dâng hương lễ Phật. Sau khi dâng hương xong, đoàn rước của thôn Cam Thượng lại tiến hành rước vị thành hoàng của mình quay lại đình, cách rước được tổ chức như lúc rước đến.
Buổi chiều ngày 11 và ngày 12 tổ chức các trò chơi tại sân chùa. Ngoài các trò chơi dân gian như đi cầu thùm, bắt vịt trên cạn, dưới nước, bịt mắt bắt dê, chọi gà, bắt trạch trong chum... còn tổ chức thi đấu cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền…. Buổi tối có giao lưu văn nghệ, hát chèo, hát dân ca tại sân chùa do các hội, đoàn thể trong thôn và xã biểu diễn.
Đến buổi chiều ngày 12, nhà chùa và các phật tử cúng lục đạo chúng sinh, lễ tạ và kết thúc lễ hội.
Qua thời gian có nhiều thay đổi gời đây lễ hội chùa Quang Phúc được rút gọn chỉ còn trong 2 ngày ( 11 và 12 tháng giêng âm lịch).
Sáng ngày 11 nhân dân và nhà chùa chuẩn bị cho công tác lễ hội và dâng lễ. Buổi chiều tổ chức các trò chơi dân gian như cờ vua, cờ tướng, bịt mắt bắt vịt…Tối ngày 11 tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ của các ban ngành đoàn thể cùng nhân dân trong và ngoài thôn. Sáng ngày 12 tiến hành nội dung chương trình lễ hội. Sau diễn văn khai mạc của vị trưởng ban tổ chức lễ hội, lãnh đạo chính quyền xã, thôn và toàn thể nhân dân, khách thập phương vào chùa dâng hương lễ phật. Buổi chiều ngày 12 tiếp tục các trò chơi như: Chọi gà, kéo co, giữa các ngành, các xóm. Giao lưu, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá gữa các xóm và thôn trong xã.
Thông qua dịp lễ hội truyền thống hàng năm, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị xã hội và toàn thể Nhân dân thôn Cam Đông, xã Tuấn Việt có dịp ôn lại lịch sử, những truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của làng, tổ chức các trò chơi dân gian,.. bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân thì đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử văn hóa, vẻ đẹp của di tích, tạo sự gắn kết cộng đồng chung tay bảo vệ và phát huy nhữmg giá trị của di tích.