Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình lịch sử cách mạng và di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Di tích Đền Phú Mỹ Xuân Hoa, xã Hòa Bình, huyện Kim Thành

Di tích Đền Phú Mỹ Xuân Hoa, xã Hòa Bình, huyện Kim Thành.

1. Thông tin chung về di tích
Tên trong hồ sơ khoa học: Đền Phú Mỹ Xuân Hoa (có nghĩa là giàu đẹp như hoa mùa xuân).
Tên gọi khác: Đền Đồng
Từ thị trấn Phú Thái đi theo đường Quốc lộ 17B đến ngã ba xã Bình Dân cũ, rẽ phải theo đường liên thôn khoảng 400 m. Đi tiếp đến ngã ba, rẽ trái khoảng 300 m là đến di tích. Đền Phú Mỹ Xuân Hoa tọa lạc trên khu đất cao ráo, thoáng rộng 1.491 m2, không gian yên bình ở giữa thôn Phú Nội thuộc xã Bình Dân cũ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Đền Phú Mỹ Xuân Hoa được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 4767/QĐ-UBND ngày 28/12/2006.
2. Lịch sử di tích và nhân vật được thờ
Đền Phú Mỹ Xuân Hoa tôn thờ tướng quân Đặng Sĩ Nghị và phối thờ hai vị tướng của ông là Đặng Sỹ Phan và Đặng Sỹ Lẫm, người đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh trận dẹp 12 sứ quân, thiên hạ thanh bình. Ngày 02/10 âm lịch, ông về đến Nghệ An ngồi ngay sảnh đường, tự nhiên hóa. Vua Đinh Tiên Hoàng ghi nhận công lao to lớn của ông nên bằng lòng cho Nhân dân mang thi hài về bản quán an táng, sắc phong phúc thần. Vua chiếu cho thiên hạ những nơi nào Đặng Sỹ Nghị thiết lập đồn lũy, đón mỹ tự về lập đền miếu phụng thờ. Nhất phong “Đặng Sỹ Nghị công binh ứng Đại Vương", tặng phong “Dương cảnh thành Hoàng hộ Quốc cư sỹ thông minh, bắc đạt, phù vận an dân, phổ hóa Hoàng phô, Trung Đẳng thần", sắc chỉ đạo cho trang Phú Nội đón mỹ tự về lập đền miếu phụng thờ. Truyền rằng, từ đó về sau đền rất linh thiêng hiển ứng nên được nhiều bậc đế vương phong sắc và cho thêm mỹ tự “Nhất vị Đại Vương".
3. Kiến trúc xây dựng và các di vật cổ
Đền được Nhân dân địa phương khởi dựng vào triều Đinh (thế kỷ X), trùng tu nhiều lần vào thời Trần, thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Trước cách mạng tháng Tám, đền là nơi hội họp của Tổ Việt Minh thôn Phú Nội, Trong kháng chiến chống Pháp, đền là cơ sở hoạt động cách mạng của địa phương, nơi tổ chức các lớp học bình dân học vụ và tập luyện quân sự của du kích. Sau hòa bình, một số công trình tại di tích đã bị phá hủy, đền chỉ còn lại 03 gian tiền tế và 02 gian hậu cung, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J). Những năm gần đây, bằng công sức và tiền của, Chính quyền và nhân dân địa phương đã tu sửa nhiều hạng mục công trình, từng bước hoàn thiện, trả lại dáng vẻ ban đầu của khu di tích.
Hiện tại khu di tích còn tồn tại 1 số hạng mục công trình cổ, nhất là hệ thống tháp gạch. Đó là những tiêu bản quý giúp ta hiểu thêm kiến trúc cổ Việt Nam. Sân đền có 05 tháp gạch mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Tháp ở giữa cao 5 tầng, tầng 1 có 4 cửa cuốn vòm, trên vòm cửa chính đắp nổi 4 chữ “Phú Mỹ Xuân Hoa". 4 cạnh tháp chính có 4 tháp con cao 3 tầng, hình thức giống như tháp chính, tất cả các góc tháp đắp nổi phù điêu như “Vân tản, triện lá giắt".
Ngoại thất đền tập trung trang trí đôi rồng kìm ngậm bờ nóc, hồi quai trảo đắp nổi mặt hổ phù, mái lợp ngói mũi truyền thống.
Tòa nhà Tiền tế chất liệu bằng gỗ lim, gạch chỉ, ngói mũi gồm 03 gian xây “bít đốc quai chảo", kết cấu 04 vì kèo chính. 02 vì kèo giữa kiến trúc kiểu “giá chiêng", lòng mái mở theo thức “thượng tam hạ tứ"; 02 vì bên chỉ còn cột quàn vì chính gác tường, chất liệu gỗ lim, nội thất có nhiều bức chạm khắc “tứ linh", “tứ quý hóa long", “nghê hý cầu"‎ mang tính nghệ thuật cao. Tiêu biểu ở hai bên xà nách, của 2 vì chính có 2 bức cốn chạm kênh bong đề tài “tứ linh". Mặt trái các bức cốn được chạm “tứ quý hóa long". Đặc biệt là hệ thống bẩy hiên chạm nổi “độc long", “tứ quý hóa long" rất sinh động. Tuy phong cách nghệ thuật, cách chạm khắc gỗ thuộc thời Nguyễn, song trong từng mảng chạm đều ẩn chứa những nét tài hoa của các nghệ nhân dân gian xưa.
Tòa Hậu cung nối liền với tòa Tiền tế là 2 máng xối và giản cổ giải. 2 gian hậu cung có kết cấu chính là 2 vì kèo. Kỹ thuật chế tác chủ yếu là bào trơn, đóng bén, chất liệu gỗ lim còn khá tốt nên các chi tiết của tòa Hậu cung không bị xô lệch, xuống cấp.
Phần nề ngõa lớp mái ngói mũi cổ, tường xây gạch chỉ, nền lát gạch, hồi Hậu cung kiểu quai chảo, giữa đắp nổi mặt hổ phù.
Hiện nay đền còn lưu giữ được 2 sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (năm 1924) và một số hiện vật niên đại thời Nguyễn gồm 01 hòm đựng sắc phong; 01 cuốn thư nền triện gấm nhũ vàng; ngai và tượng thờ tướng quân Đặng Sỹ Nghị, Đặng Sỹ Phan, Đặng Sỹ Lẫm sơn son thếp vàng; tượng mẫu Liễu Hạnh sơn son thếp vàng; 01 đôi câu đối; 01 bát hương gốm, 01 bát hương đá và 01 bia đá “Thần tích bi ký" dựng năm 1938.
4. Tổ chức lễ hội
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, đền có các ngày lễ tiết mùng 7 tháng Giêng (ngày sinh thần), ngày 02 tháng 10 (ngày chạp thần), ngày 15 tháng 11 (ngày khánh hạ - ngày chúc mừng Đặng Sỹ Nghị về trang Phú Nội),... trong đó quy mô lớn nhất là ngày lễ đại kỳ phúc (ngày tổ chức lễ hội mùa xuân) diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch.
Năm 1945, đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, việc tổ chức lễ hội tại đền bị gián đoạn. Năm 1999, đình được phục dựng, lễ hội cũng được khôi phục trở lại, nhưng thời gian tổ chức rút ngắn chỉ còn 02 ngày vào ngày 15 và ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm với phần lễ vật tế thần và nhiều trò chơi dân gian như cờ bỏi, bịt mắt bắt vịt, chọi gà, múa lân, kéo co, vật,…   
Lễ hội là sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu được của Nhân dân địa phương, đền Phú Mỹ Xuân Hoa là niềm tự hào của các thế hệ, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.