Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình lịch sử cách mạng và di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Di tích Đình Cống Khê, xã Kim Liên, huyện Kim Thành

Di tích Đình Cống Khê, xã Kim Liên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Đình Cống Khê, xã Kim Liên
1. Thông tin Chung về di tích
Đình Cống Khê là cách gọi theo tên thôn Cống Khê (thuộc xã Kim Khê cũ). Đi từ thị trấn Phú Thái theo đường Quốc lộ 5 theo hướng Hà Nội - Hải Phòng khoảng 4 km, đến địa phận xã Kim Liên, rẽ phải theo đường liên xã khoảng 1 km, đến trụ sở UBND xã Kim Khê cũ, rẽ phải 500 m là di tích đình Cống Khê. Đình nằm ngay ở đầu thôn Cống Khê, xã Kim Liên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, trên mảnh đất cao ráo, thoáng rộng với diện tích 2.427 m2, mặt chính của di tích quay hướng Tây - Nam với ý nghĩa đình được coi như nằm ở giữa trung tâm của vùng đất thánh thiện (Hướng Nam mang đúng tư cách “Thánh nhân Nam diện", chứa đầy sinh lực, mát mẻ và cũng là hướng của thiện tâm trên nền tảng trí tuệ. Hướng Tây mang yếu tố âm, mặt đình là dương nên giữa kiến trúc - thần và không gian đã tạo thành một thể âm dương đối đãi, khiến thần luôn yên vị).
Đình Cống Khê, xã Kim Liên được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 26/01/2018.
2. Lịch sử di tích và nhân vật được thờ
Đình Cống Khê thờ thành hoàng “Hiệu Nghị Dực Bảo", vị thần đã có công “âm phù" giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tương truyền vào khoảng thế kỷ XVII, trời hạn hán kéo dài, cây cối cháy khô, mùa màng thất bát, gia súc gia cầm bị dịch bệnh, đời sống đói khổ. Dân làng bèn bảo nhau xin trời ban mưa xuống. Không lâu sau đó, trời đất tối sầm, mưa gió dữ dội, sấm chớp sáng rực góc trời. Trong chốc lát, trời quang mây tạnh, dân làng bỗng thấy có 02 bát hương rơi xuống đống Đạo và đống Sến. Dân làng rước bát hương ở đống Đạo về thờ tại đình Vân Dương. Còn bát hương ở đống Sến, khi rước về tới đầu thôn Cống Khê (khu vực đình Cống Khê ngày nay) thì bỗng dưng nặng, không thể di chuyển. Cho là linh dị, dân làng bèn góp công, góp của xây dựng đình ở đây.

Vọng cung thờ sắc phong “ Hiệu nghị rực Bảo Trung Hưng Tôn Thần"

Hiện tại, chưa tìm được tài liệu nào ghi chép về thời gian khởi dựng di tích. Tuy nhiên, căn cứ kết quả khảo sát, điền dã và các sắc phong còn lưu giữ tại di tích thì có thể tiên lượng đình Cống Khê xây dựng khoảng trước năm 1911 với kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 05 gian Đại bái và 03 gian Hậu cung.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, đình là nơi cán bộ Việt Minh tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân, nơi tổ chức mít tinh chào mừng chính quyền cách mạng lâm thời. Sau cách mạng, đình là địa điểm tổ chức các lớp bình dân học vụ. Năm 1951, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, địa phương tổ chức hạ giải đình, nhà ngang và cầu đá để lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi. Khu vực đất đình trở thành nơi huấn luyện lực lượng vũ trang cấp trên. Giai đoạn 1959-1965, đình được trưng dụng làm trường cấp I xã Kim Khê (xã Kim Liên ngày nay) và kho chứa lương thực A34 tỉnh Hải Dương.
3. Kiến trúc xây dựng và các di vật cổ
Năm 1992, chính quyền và Nhân dân địa phương đã phục dựng 03 gian Đại bái quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản, mái lợp ngói. Năm 2013, đình tiếp tục được trùng tu, tôn tạo với kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 05 gian Đại bái và 02 gian Hậu cung khang trang như hiện nay.
Từ ngoài vào, nghi môn tạo thành 3 lối ra vào. Công trình xây dựng theo kiểu 2 tầng mái với các góc uốn cong đắp rồng, hình thức giống như tam quan của chùa.
Phía sau nghi môn là một con đường nhỏ láng bê tông dẫn vào sân đình. Trước sân là giếng hình bán nguyệt (xưa là hình tròn), xây thành bao, có bậc lên xuống. Hai bên góc giếng là hai cây đa, cành lá sum suê, xanh tốt.
Qua 5 bậc cấp lát gạch giếng đáy đỏ là tòa Đại bái, mái dựng kiểu đao dĩ, lớp ngói mũi truyền thống, các đầu đao uốn cong đắp nổi hình rồng, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, gối đỡ mặt nguyệt là mặt hổ phù, hai đầu bờ nóc có hai con kìm, đuôi cuộn tròn vắt lên trụ. Hệ thống cửa tạo kiểu thượng song hạ bản, sơn màu nâu đỏ, phía trên tạo hàng chấn song con tiện. Khung chịu lực gồm 04 bộ vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng. Điều đặc biệt của tòa nhà là hệ thống con rường, cột quân được đưa hẳn ra ngoài hiên tạo được khoảng hiên thoáng và mở rộng không gian nội tự bên trong. Chính giữa tòa Đại bái được bài trí một nhang án trang trí nhiều hoa văn họa tiết hình rồng, phượng, hoa lá,…
Hậu cung xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Kết cấu khung vì gồm 2 vì kèo kiến tạo giống tòa Đại bái. Hệ thống cột quân gài vào tường nên lòng nhà rộng, thoáng. Nền lát gạch giếng đáy màu đỏ.
Phía Đông Bắc cách đình khoảng 20 m là miếu Cống Khê kiến trúc kiểu chữ Nhất (-), nơi thờ Đức Ông, người có công bảo vệ cho Thành hoàng làng.
Qua thời gian, chiến tranh và sự biến động của lịch sử, nhiều hiện vật tại đình đã bị mất mát, hư hỏng. Hiện nay, di tích còn lưu giữ được một số cổ vật, di vật có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật, văn hóa như sắc phong, bát hương đá, mâm bồng, giá đài,…
4. Tổ chức lễ hội
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, đình Cống Khê có một kỳ lễ hội chính diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm. Năm 1951, đình bị hạ giải nên lễ hội tại di tích cũng bị gián đoạn. Năm 2013, lễ hội được phục dựng lại gọi là “lễ hội truyền thống đình làng Cống Khê" nhưng quy mô và nghi lễ được rút gọn, đơn giản hơn.

Lễ hội truyền thống đình Cống Khê

Ngày mùng 8, các cụ cao niên bày biện lễ vật làm lễ xin Thành hoàng mở hội. Ngày mùng 9, sau khi tổ chức lễ tế theo nghi thức truyền thống, dân làng và khách thập phương vào dâng hương. Buổi chiều, Ban Tổ chức tổ chức lễ viếng tại nghĩa trang liệt sĩ để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng đã hi sinh, bảo vệ tổ quốc. Sau đó là chương trình văn nghệ và các trò chơi dân gian náo nhiệt, sôi động như kéo co, chọi gà, cờ tướng, bịt mắt bắt vịt,… thu hút đông đảo người dân tham gia. 

Lễ rước Thành hoàng làng đình Cống Khê

Di tích đình Cống Khê không chỉ là nơi thờ Thành hoàng và lưu giữ các giá trị nghệ thuật của cha ông mà còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là biểu tượng tiêu biểu cho sự cấu kết cộng đồng. Đây là dịp để người dân thêm gắn bó và khẳng định tình làng nghĩa xóm bền chặt, góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống nông thôn mới với những con người mới và các giá trị văn hóa mới.