Toàn cảnh đình Khuê Phương
1. Thông tin về di tích
Tên gọi: Đình Khuê Phương
Từ trung tâm huyện theo đường Quốc lộ 17B đến ngã ba thôn Tân Tạo, xã Bình Dân (nay là xã Hoà Bình) rẽ trái, đi khoảng 500 m là đến di tích Đình Khuê Phương.
Đình tọa lạc trên một khu đất rộng 1.967 m2 nằm ở trung tâm thôn Phát Minh, xã Hoà Bình, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Mặt tiền quay về hướng Tây Bắc; phía Đông, phía Bắc giáp cánh đồng; phía Nam giáp đường làng và khu dân cư của thôn.
Đình Khuê Phương được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 3172/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2010.
2. Lịch sử di tích và nhân vật được thờ
Đình tôn thờ 03 vị thành hoàng làng (Trần Sỹ, Trần Nghiêm, Trần Quang) đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc xâm lược nhà Tống thế kỷ X, đem lại thái bình cho đất nước và 01 vị thiên thần là Nam nghĩa linh ứng đại vương, có công trông coi đất đai, sông ngòi của làng.
Tương truyền, làng Khuê Phương thuộc huyện Trà Hương, phủ Kinh Môn, lộ Hải Dương có 03 anh em trai diện mạo khôi kỳ, văn võ song toàn cùng sinh vào giờ Dậu ngày 18 tháng Giêng năm Kỷ Dậu. Mùa đông năm 980, quân đội nước Đại Cồ Việt do nhà vua trực tiếp chỉ huy đánh đuổi giặc Tống, tới trang Khuê Phương thì mặt trời vừa lặn. Nhà vua cho đóng quân ngủ tại đây một đêm. Trong giấc mơ, nhà vua thấy một ông thần xưng là “Nam Bang Nghĩa Tướng" tâu với vua rằng “ở trang này, có 3 người con nhà họ Trần có tướng trời sinh giúp vua giữ nước được, nhà vua dùng lấy thì nước nhà sẽ bình ngay". Sáng hôm sau, vua có chỉ dụ gọi Trần Sỹ, Trần Nghiêm và Trần Quang cho đầu quân phò vua cứu nước và lập được công lớn.
Khi hộ giá nhà vua thắng trận trở về tới đầu làng Khuê Phương thì ba ngài không bệnh mà hoá vào ngày 08 tháng 11 năm Canh Thìn. Vua truy công phong vương cho các ngài làm thành hoàng làng Khuê Phương.
Căn cứ các tài liệu hiện còn lưu giữ, đình được khởi dựng (hoặc trùng tu) vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Trước cách mạng tháng Tám, đình là nơi cứu giúp người nghèo trong nạn đói năm 1945, nơi diễn ra cuộc hội quân, mít tính lớn của Nhân dân ba làng Quế Phương, Trung Xá, Phú Nội; sự kiện thu con dấu, sổ sách của chế độ cũ. Sau cách mạng tháng Tám, đình là địa điểm thành lập 3 trung đội dân quân tự vệ; đưa tiễn các thanh niên lên đường Nam tiến; bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức lễ công bố thành lập Đảng bộ huyện Kim Thành. Tháng 10 năm 1945, bốn làng Khuê Phương, Trung Xá, Phú Nội, Phong Nội hợp nhất thành xã Chí Minh (sau đổi tên thành xã Bình Dân), trụ sở đặt tại đình Khuê Phương. Năm 1947, toàn huyện Kim Thành bị giặc chiếm đóng, Nhân dân nằm trong vòng kiểm soát kìm kẹp, mọi hoạt động rút vào bí mật. Ngày 19/8/1949, du kích đã treo cờ ở đình làng, trên cây thông phía sau giải vũ, bên dưới gài mìn. Khi tên quan Pháp chỉ huy một toán quân xông vào hạ cờ thì bị mìn nổ chết ngay tại chỗ. Sau đó, chúng đã thành lập đội dõng đóng tại đây, đình trở thành mục tiêu chú ý của giặc Pháp. Năm 1949, đình bị tháo dỡ để tiêu thổ kháng chiến. Năm 2008, được sự hảo tâm ủng hộ của các con em quê hương, đình Khuê Phương lần thứ 3 được xây dựng lại mới với cảnh quan đẹp, lối kết cấu độc đáo địa phương và dáng vẻ uy nghi và khang trang sau gần 60 năm không còn đình (ngày sinh, ngày giỗ thành hoàng, dân làng phải cúng tế trên tảng đá còn lại).
3. Kiến trúc xây dựng và các di vật cổ
Di tích là công trình kiến trúc khá đồng bộ, được xây dựng bằng gỗ lim theo kiến trúc chữ Đinh (J) gồm 05 gian Đại bái đao tàu déo góc và 02 gian Hậu cung. Ba gian cửa đình yểm 3 phiến đá to (hiện còn 1 phiến ở gian phía nam đang để ở cổng đình mới).
Tòa Đại bái có kết cấu chính là 6 vì kèo, nối liền với Hậu cung bởi 02 vì kèo. Toàn bộ chi tiết của các vì kèo này được tạo dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép, sơn giả gỗ, kiến tạo theo kiểu chồng rường truyền thống.
Móng, tường xây bằng gạch chỉ, vữa xi măng, nền lát gạch, cửa bằng gỗ chắc chắn. Phần mái được đổ bê tông cốt thép, phía ngoài dán ngói Giếng Đáy. Mái tòa Đại bái được xây dựng bờ nóc, bờ cánh mềm mại, có nhiều đường gờ chỉ kép mềm mại. Các đầu đao có phù điêu rồng chầu phượng mớm, bờ nóc có phù điêu lưỡng long chầu nguyệt.
Trải qua thời gian chiến tranh và tác động của thiên nhiên, nhiều di vật cổ có giá trị tại di tích đã bị mất mát, hư hỏng. Một số hiện vật còn lưu giữ được tại di tích gồm 02 nhang án sơn son thếp vàng; 01 long bành; 01 bộ bát biểu; 01 bộ binh khí; 01 bộ đại tự; 01 đôi hạc; 04 cửa võng; 01 long đình; 01 ngai thờ, 03 đôi câu đối; 03 pho tượng Thành hoàng làng; 01 đỉnh hương đồng; 02 cây nến đồng; 01 bát hương lớn; 03 bát hương nhỏ; 04 đôi lọ lộc bình, một số lọ hoa và một quyển thần tích do hương ly xã Khuê Phương khai năm 1938.
4. Tổ chức lễ hội
Dưới thời phong kiến, hằng năm di tích tổ chức 02 kỳ lễ hội (Thời gian từ ngày 14 đến 20 tháng Giêng là kỷ niệm ngày sinh thần (lễ hội mùa xuân). Thời gian ngày 08/11 là lễ kỷ niệm ngày hóa thần). Năm 1949, đình bị tháo dỡ để tiêu thổ kháng chiến, lễ hội theo đó tạm thời không được tổ chức. Mãi tới năm 2008, sau 60 năm gián đoạn, lễ hội đình được phục dựng nhưng rút gọn thời gian còn 02 ngày (ngày 17 và 18 tháng Giêng hằng năm), hình thức được điều chỉnh cho phù hợp với đời sống mới.
Ngày 17, mở cửa đình, rước kiệu các vị thành hoàng ở 03 thôn (Phát Minh, Tân Tạo, Trung Tuyến) về đình làm lễ. Ngày 18 tổ chức tế, lễ thành hoàng, sau đó làm lễ tạ đóng cửa đình và kết thúc lễ hội.
Trong thời gian tổ chức lễ hội, đình còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như cầu thùm, bịt mắt bắt vịt, đảo đĩa, chọi gà, múa lân hát ca trù, hát chèo, vật,… để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân.
Đối với Nhân dân địa phương, lễ hội là niềm tự hào của mọi thế hệ, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau, nơi ghi dấu ấn văn hóa tín ngưỡng làng xã thời phong kiến. Đó là những tư liệu quý giúp ta khi nghiên cứu những phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống của dân tộc, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đem lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống.