Đình Kỳ Côi, xã Tam Kỳ
1. Thông tin chung về di tích
Đình Kỳ Côi còn có tên gọi khác là Đình Gôi. Đây là cách gọi theo tên Nôm của làng trước cách mạng tháng tám năm 1945. Sau cách mạng, tên gọi này không được phổ biến trong Nhân dân địa phương mà gọi theo tên thôn là Kỳ Côi.
Đi từ trung tâm huyện theo đường Quốc lộ 17B khoảng 13 km đến đường 188 cũ đi tiếp khoảng 155m đến ngã 3 cổng Làng Kỳ Côi rẽ trái vào khoảng 90m là đến di tích nằm ở bên phía bên phải. Đình Kỳ Côi tọa lạc trên khuôn viên khoanh vùng bảo vệ di tích khu vực I: 782m2; khu vực II: 1092m2 (theo trích lục bản đồ), gồm các hạng mục công trình mới được xây dựng, tôn tạo gồm: Nghi môn, Đình, Nhà kho và khu phụ trợ. Ngoài ra, trong thôn còn có 2 ngôi miếu liên quan đến di tích là miếu Vường - nơi thờ thánh Bà Đa (cách đình khoảng 700 m về phía Bắc); Miếu giáp Đông thờ thần Thổ Kỳ thuộc xóm Chiến Tuyến (Cách Đình 400 về phía Đông).
Đình Kỳ Côi, xã Tam Kỳ, được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 4478/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2019.
2. Lịch sử di tích và nhân vật được thờ
Theo tương truyền, đình Kỳ Côi được khởi dựng từ khá sớm, quy mô nhỏ, làm bằng tranh tre. Trải qua thời gian, đình bị hư hại. Khoảng những năm 30 của thế kỷ XX, dân làng xây dựng ngôi đình khang trang to đẹp cách đình hiện tại khoảng 200m. Năm 1949, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đình làng và các miếu bị hạ giải hoàn toàn. Năm 2010, theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, ngôi đình được xây dựng trên nền đất miếu Phe Trung (vị trí đình hiện tại) để thờ các vị thành hoàng và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.
Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã và hệ thống câu đối, hoành phi tại di tích và truyền ngôn trong nhân dân cho biết: Đình Kỳ Côi thờ bốn vị Thành hoàng là Thổ Kỳ (húy là Đức), Thánh Cả (húy là Nguyễn Công Hoằng), Thánh Nhị (húy là Nguyễn Công Quảng) và Thánh Bà (húy là Nguyễn Bà Đa).
Đình Kỳ Côi không những là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân mà trong kháng chiến thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tại di tích diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của địa phương:
Năm 1946, đình là nơi hội họp, tập hợp lực lượng cách mạng của dân quân du kích và tự vệ địa phượng, đồng thời cũng là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ cho nhân dân.
Năm 1954, đình là nơi hội họp của chi bộ xã và là trường học cho con em trong làng.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đình là địa điểm tập trung của bộ đội trước khi vào chiến trường.
3. Kiến trúc xây dựng và các di vật cổ
Đình hiện nay có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), gồm 5 gian đại bái, 3 gian hậu cung, kết cấu kiến trúc bằng gỗ tứ thiết theo kiểu đao tàu déo góc.
Từ ngoài vào di tích là nghi môn được tạo theo kiểu tam quan, trên tạo dáng trụ đèn, hai cột phụ có khắc nổi hình nghê đá, mặt ngoảnh về phía trước. Thân trụ được chạm khắc hoa lá cách điệu mềm mại. Qua khoảng sân là bức bình phong được đặt sau nghi môn để tránh những khí độc, uế tạp ở ngoài đời thổi vào cửa Thánh. Sân đình được lát gạch đỏ sạch sẽ. Trước cửa đình có đặt lư hương và đôi trụ đèn để dân làng vào đình thắp hương trong những ngày lễ tết.
Qua bậc tứ cấp là Tòa Đại bái Đình gồm 5 gian, dài 14,2 m, rộng 6,1 m được xây theo kiểu “đao tàu déo góc", móng và tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, các đầu đao vút cong và đắp vẽ theo đề tài “rồng chầu phượng mớm", bờ nóc trơn, trên bờ nóc có đắp nổi đề án “lưỡng long chầu nhật". Hệ thống cửa gồm 3 bộ ván bưng, một bộ ở gian giữa và 2 bộ ở gian bên, nối các bộ cửa là tường xây. Kết cấu các vì kèo chính kiểu “giá chiêng chồng rường", các mảng họa tiết hoa văn được đắp vẽ theo đề tài lá lật. Phía trên cùng các bộ vì là điểm đặt thượng lương có ghi dòng chữ hán.
Nối liền với Đại bái là 2 gian Hậu cung có chiều dài 6,1 m, rộng 5,0 m, kiến trúc vì kèo kiểu chồng rường, trang trí đắp vẽ hoa văn lá lật cách điệu. Toàn bộ hệ thống vì, cột, xà nách, ...được làm bằng chất liệu xi măng cốt thép sơn màu giả gỗ. Hệ thống bài trí thờ tự đình Kỳ Côi tập trung vào gian hậu cung và thể hiện khá trang nghiêm. Phía trên là bức đại tự bằng chữ Hán: Phiên âm: “Vạn cổ linh ứng" nghĩa là: “Muôn đời linh thiêng hiển ứng".
Chính giữa là ngai và bài vị thờ ba vị thành hoàng là anh em ruột có công giúp vua Lý đánh giặc là đức Thánh Cả (húy là Nguyễn Công Hoằng), Thánh Nhị (húy là Nguyễn Công Quảng) và Thánh Bà (hủy là Nguyễn Bà Đa). Phía trước ban thờ có bài trí nhang án trên đặt các đồ thờ tự như: đôi lục bình, cây nến, hạc đồng, mâm bồng, bát hương...theo nguyên tắc cân đối. Phía bên phải có ban thờ ngai và bài vị Thành Hoàng là thiên thần Thổ Kỳ.
Hiện nay di tích còn lưu giữ được một số cổ vật, di vật có liên đại thời Nguyễn như: bát hương, bàn thờ đá, mũ cánh chuồn. Đó là những di sản văn hoá vật thể cần được lưu trữ bảo tồn cho thế hệ mai sau.
4. Tổ chức lễ hội
Dưới thời phong kiến, hàng năm, tại di tích có nhiều ngày lễ tiết trong đó ngày mồng 6 tháng 11 (âm lịch) kỷ niệm ngày sinh của ba vị Thành Hoàng Thánh Cả (Nguyễn Công Hoằng), Thánh Nhị (Nguyễn Công Quảng) và Thánh Bà (Nguyễn Bà Đa) là lễ hội chính trong năm. Lễ hội diễn ra trong 7 ngày, từ ngày mùng 4 đến mùng 10, trong đó ngày mùng 6 là trọng hội.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, đa số các di tích bị hạ giải hoàn toàn, trong đó có di tích Đình Kỳ Côi.
Bước sang thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta chủ trương việc bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc nên các di tích lịch sử đi cùng với các lễ hội dân gian truyền thống được khôi phục lại. Lễ hội Đình Kỳ Côi được khôi phục vào những năm 90 của thế kỷ XX.
Ngày nay, lễ hội Đình Kỳ Côi diễn ra từ ngày mùng 9 đến ngày 11 tháng 11 (âm lịch), trong đó ngày mùng 10 là ngày hội chính, một số thủ tục và lễ phẩm đã được đơn giản hơn xưa để phù hợp với điều kiện hiện nay. Quy trình lễ hội diễn ra như sau:
Sáng mùng 9, Ban khánh tiết đình cử người rước kiệu ngai và bài vị các vị Thành Hoàng từ các Miếu Vường (thờ Bà Đa) và miếu Giáp Đông (thờ Thổ Kỳ) về Đình dự lễ. Làng chia làm 2 đám rước, một đoàn từ Miếu Vường và một đoàn từ Miếu Giáp Đông. Đi đầu đoàn rước là đội kỳ lân tiếp đến là cờ thần, trống, chiêng, đội cầm bát bửu, kiệu long đình, có hai người cầm tàn che, kiệu bát cống (trên kiệu có ngai, trong ngai có bài vị của các Đức Thánh), tiếp theo là kiệu lễ vật gồm thủ lợn, xôi, hoa quả, trầu cau, rượu, có 4 thanh niên cầm lọng che kiệu. Theo sau kiệu là đội tế và toàn thể nhân dân, du khách thập phương. Sau khi rước các ngài về ngự tại đình, các cụ mở cửa đình làm lễ Mộc Dục và dọn dẹp lau chùi, bao sái đồ thờ tự như ngai, long đình, giá kiếm, hương án... Lễ vật dâng Thành Hoàng xin phép làng mở hội gồm: 1 mâm cơm có gà, xôi gấc, hoa quả, trầu cau, rượu,…
cau, rượu,..
Lễ rước ngày hội
Buổi chiều, công tác chuẩn bị cho lễ hội được tiếp tục diễn ra như treo cờ thần, cờ Tổ quốc, sắp xếp các vị trí ngồi của đại biểu, nhân dân, sắm sửa hoa lễ, tập dượt đội tế và đội dâng hương.... Song song với đó, việc tổ chức các trò chơi được tiến hành như: Đánh đu, chọi gà, cờ tướng...dưới hình thức giao hữu giữa các đội và không chấm giải, thu hút đông đảo mọi người tham gia, đặc biệt là các thanh thiếu niên. Buổi tối, làng biểu diễn các tiết mục văn nghệ do đội văn nghệ trong làng, xã và các cá nhân biểu diễn.
Sáng ngày mùng 10 là ngày hội chính, sau phần khai mạc là nghi lễ dâng hương, lễ tế các vị Thành Hoàng do đội tế nữ của thôn thực hiện. Đội tế gồm 24 người mặc áo the vàng, quần trắng, khăn xếp, riêng hai chủ tế mặc áo the màu đỏ, còn Đông xướng, Tây xướng mặc áo the xanh. Lễ vật tế gồm: gà, xôi, hoa quả, oản, bánh kẹo, trầu cau và rượu. Nghi thức tế được thực hiện trịnh trọng theo lối tế cổ: củ soát lễ vật, dâng hương, chúc rượu và đọc và hóa chúc với nội dung ca ngợi công đức của các vị Thành Hoàng, cầu mong các vị phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...
Sau khi tế xong, dân làng và du khách thập phương tiếp tục vào đình dâng hương, cầu phúc cho gia đình sức khỏe, may mắn và thịnh vượng.
Buổi chiều, các trò chơi và các tiết mục văn nghệ như: hát chèo, hát quan họ, dân ca đương đại… do đội văn nghệ xã, thôn biểu diễn vẫn tiếp tục được diễn ra. Đến 16 giờ cùng ngày, các cụ làm lễ tế giã đám, đóng cửa đình.