Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình lịch sử cách mạng và di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Di tích lịch sử giới tuyến tập kết 100 ngày và 300 ngày tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

Di tích lịch sử giới tuyến tập kết 100 ngày và 300 ngày tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.


1. Thông tin chung về di tích
Di tích lịch sử giới tuyến tập kết 100 ngày và 300 ngày là sự kiện quan trọng gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Hội nghị ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 21/7/1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Sau Hội nghị Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày 27/7/1954 lệnh ngừng bắn đã được ban hành trên phạm vi cả nước, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Để ghi lại dấu ấn một sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra trên địa bàn huyện, đồng thời nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. Huyện Kim Thành quy hoạch xây dựng mốc giới lịch sử giới tuyến tập kết 100 ngày và 300  ngày, với tổng diện tích là 1759,3 m2 nằm ở cạnh dường sắt Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5A, đầu thôn Quỳnh Khê 2 thuộc xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
2. Lịch sử di tích
Ngay sau chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi ngày 07/5/1954, buộc thực dân Pháp ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, để tạo điều kiện cho quân Pháp rút quân, từ ngày 10/6/1954, cuộc “Tổng rút lui" của quân đội Pháp bắt đầu, trên địa bàn tỉnh Hải Dương, từ khắp nơi quân địch dồn về rất đông, kéo theo cả bè lũ tay sai không ngừng gây ra những khó khăn cho ta. Tình hình trên địa bàn huyện Kim Thành rất phức tạp, mặc dù đã thua rút chạy nhưng địch vẫn ra sức tàn phá, cướp bóc. Máy bay, đại bác của địch ném bom bắn phá bừa bãi xuống khu dân cư, phá hoại giao thông, đê điều, đồng ruộng.
Trên mặt trận ngoại giao, Hội nghị Giơ-ne-vơ đang diễn biến có chiều hướng thuận lợi cho ta. Phong trào đấu tranh của Nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương lên cao hơn lúc nào hết. Nhiều đoàn đại biểu Nhân dân Pháp đến Giơ-ne-vơ đòi phái đoàn Pháp phải có thái độ nghiêm chỉnh trong đàm phán để lập lại hoà bình ở Đông Dương. Trước áp lực của Nhân dân Pháp, Chính phủ phản động Lanien sụp đổ ngày 12/6/1954, Chính phủ Măng-đét-phơ-răng lên thay, cam kết giải quyết hoà bình ở Đông Dương.
Trước tình hình phức tạp và những hành động dã man của thực dân Pháp, Trung ương Đảng đã chỉ đạo tỉnh Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động vũ trang. Thi hành chủ trương đó, Huyện uỷ Kim Thành được Tỉnh ủy chỉ đạo cho đánh phá giao thông địch mặc dù chúng canh phòng rất cẩn mật. Tiêu biểu là những trận đánh:
Ngày 11/6/1954, du kích xã Đại Đồng (Kim Anh) phục kích địch ở cống Bờ Lôi phá 1 xe, diệt 6 tên địch. Tối cùng ngày, ta quấy rối bốt Lễ Độ càng làm cho địch hoang mang hoảng sợ.
Ngày 27/6/1954, tổ đánh mìn của đồng chí Thoà và đồng chí Phúng đã lật đổ một đoàn tàu vận tải quân sự gồm 12 toa của địch ở ngay đầu ghi ga Lai Khê.
Ngày 28/6/1954, để trả đũa việc tàu quân sự bị đánh trên đường sắt, địch tập trung một tiểu đoàn đi càn vùng du kích Hà Bắc (huyệnThanh Hà). Nhận được tin địch hành quân, Tiểu đoàn 234 của tỉnh và Đại đội bộ đội Thanh Hà chủ động đánh vào vị trí tập kết của địch ở Lai Khê, diệt 210 tên, thu 1 súng trung liên, 3 súng tiểu liên.
Để chính thức ký Hiệp định Giơ-ne-vơ và tạo điều kiện cho quân đội Pháp rút về nước, từ ngày 04/7 - 10/7/1954, Hội nghị Trung Giã giữa ta và Pháp được tổ chức để quy định thời gian tập kết của quân Pháp cho từng khu vực ở các địa phương, trong đó huyện Kim Thành có hai khu vực tập kết là khu vực tập kết 100 ngày từ Lai Vu đến Quỳnh Khê (Kim Xuyên) và khu vực tập kết 300 ngày từ Phú Thái đến phía Nam huyện.
Đến ngày 21/7/1954, các văn bản về ngừng bắn, kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Pháp cùng các nước tham dự hội nghị tuyên bố công nhận độc lập chủ quyền, thông nhất toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Ở Việt Nam, hai bên cùng ngừng bắn, tập kết chuyển quân, trao trả tù binh... lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, sau 2 năm đến tháng 7/1956, sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất đất nước.
Lệnh ngừng bắn có hiệu lực, quân và dân Kim Thành nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Tại những vùng tạm bị chiếm, ta nhanh chóng nắm chính quyền, củng cố các ngành, các đoàn thể. Cán bộ, đảng viên xuống tận các thôn xóm để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ; tổ chức canh gác, bảo vệ, ngăn chặn những hành động phá hoại hoà bình của địch và bọn phản động.
Đối với bọn phản động tay sai, binh lính tự nguyện ra đầu hàng nộp vũ khí, ta giải thích chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ, động viên anh em về quê với gia đình làm ăn sinh sống. Trên trục đường 5, những điểm còn mìn, ta đã tiến hành cắm cờ báo hiệu và tổ chức tháo gỡ.
Tại các khu vực tập kết chuyển quân 100 ngày và 300 ngày, ta tạo điều kiện thuận lợi cho các phái đoàn Liên hiệp quân sự làm việc, nhưng địch vẫn có hành động chống phá khi cho quân nổ súng bừa bãi vào nhiều khu dân cư; tung các toán gián điệp, biệt kích mang theo vũ khí và chất nổ vào các khu vực tập kết để phá hoại cầu cống, đường xá, kho tàng; cho máy bay hoạt động uy hiếp tinh thần Nhân dân; dùng xe cóc quần phá lúa màu, tháo gỡ cầu cống, máy móc... gây không khí căng thẳng. Đối với đồng bào công giáo, chúng dùng bọn cha cố phản động, cùng bọn tay sai ra sức tuyên truyền lừa bịp, mê hoặc, lôi kéo Nhân dân di cư vào Nam, thậm chí còn cưỡng ép đồng bào di cư theo chúng.
Để đối phó lại tình hình, Tỉnh ủy Hải Dương đã triệu tập Hội nghị mở rộng ở Xuân Trì (Ninh Giang) với thành phần đại diện cho các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, các đồng chí bí thư, chủ tịch, Huyện đội các huyện để bàn luận chủ trương, nhiệm vụ mới. Hội nghị cho rằng: Sau khi bại trận quân địch sẽ dồn về Hải Dương thuộc khu vực 100 ngày, Ủy ban Liên hiệp đình chiến sẽ đóng tại Quỳnh Khê; sau chúng rút khỏi Hải Dương đến Phương Duệ xã Lâm Thái (nay là Kim Xuyên). Còn từ thôn Dưỡng Thái (nay là xã Phúc Thành) thuộc khu vực 300 ngày, chúng sẽ cướp phá, hãm hiếp và phá hoại hiệp định mạnh mẽ nhất, dây dưa không chịu rút quân, cài cắm do thám, cưỡng bức đồng bào công giáo vào Nam và tuyên truyền nội dung thông tin phản động…
Vì vậy, Tỉnh ủy thành lập và trực tiếp chỉ đạo Ban phụ trách khu vực tập kết 100 ngày và 300 ngày để lãnh đạo Nhân dân đấu tranh buộc địch phải thi hành đúng những điều khoản đã ký kết, đồng thời chuẩn bị mọi mặt tiếp quản vùng giải phóng, đẩy mạnh công tác địch vận…Chủ trương này được quán triệt đến từng đảng viên và quần chúng Nhân dân.
Sau khi nghị quyết Tỉnh ủy được truyền đạt xuống cơ sở, Thường vụ Huyện ủy Kim Thành quyết định tất cả chi ủy, chính quyền, các đoàn thể về cơ sở, bố trí lực lượng đấu tranh trực diện với địch; tuyệt đối không được nổ súng nếu không có lệnh của Ban chỉ huy Huyện đội, để tránh mắc mưu khiêu khích của địch. Tất cả các đồng chí Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban kháng chiến Hành chính huyện (UBKCHC), các đoàn thể đều được phân công về các xã, các khu trực tiếp chỉ đạo phong trào, bố trí giao thông liên lạc thông suốt xuống tới từng xã.
Văn phòng Huyện ủy và UBKCHC huyện được đặt tại Tiên Tảo (xã Thanh An, huyện Thanh Hà) do đồng chí Trần Bách là Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Thường trực. Văn phòng Huyện đội đặt ở trại Đồng Sành thôn Lang Can (xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà) do đồng chí Lê Văn Khoái làm Thường trực.
Tuy đã ngừng bắn nhưng Huyện ủy xác định tình hình lúc này rất khẩn trương, đòi hỏi các cấp, các ngành trong huyện phải chuyển hướng nhiệm vụ mau lẹ để tránh bị động. Huyện ủy chỉ thị cho cán bộ các xã khi về cơ sở phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ; vạch trần những âm mưu thủ đoạn của địch, phổ biến phương pháp đối phó của ta; củng cố tổ chức cơ sở đảng, phân công đảng viên. Nếu cơ sở thiếu chi ủy, thiếu cán bộ xã đội, chấp hành đoàn thể thì chi ủy, Huyện ủy phụ trách, Thường vụ phụ trách khu cho bổ sung giao nhiệm vụ rồi lấy quyết định của Huyện ủy, UBKCHC huyện sau.
Do có cơ sở đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng từ trước, nên chỉ sau 5 ngày, mọi công việc từ xã lên huyện đã được triển khai nhanh gọn, bọn tề dõng đã bị phá sạch. Đối với các xã cơ sở yếu như: Lai Vu, Tuấn Hưng, Ngũ Phúc, Kim Tân… Huyện ủy đã cử cán bộ về tập trung giải quyết.
Sáng ngày 30/10/1954, ta tiếp quản khu vực 100 ngày, đến 11 giờ lính Pháp rút đến vị trí Quỳnh Khê. Tiếp quản đến đâu, ta tổ chức cho Nhân dân mít tinh mừng quê hương giải phóng đến đó. Chỉ đạo Nhân dân củng cố bộ máy chính quyền, ổn định trật tự an ninh, tổ chức Nhân dân bước vào cuộc sống mới hoà bình, tự chủ.
Sau khi ta tiếp quản “ khu vực 100 ngày", từ Quỳnh Khê về cuối huyện là khu vực địch còn đóng quân địch và là nơi tập kết “khu vực 300 ngày" của chúng. Kim Thành là ranh giới khu phi quân sự. Vì vậy những âm mưu và thủ đoạn của địch càng được xúc tiến ráo riết và mạnh mẽ hơn. Bọn mật thám từ Hải Phòng lên, kết hợp với bọn cảnh binh tại Dưỡng Thái, ngày ngày kiểm soát giấy tờ, hách dịch, áp bức Nhân dân qua lại. Quân lính ở các nơi kéo về đóng ngổn ngang ở các thôn xóm. Chúng chặt tre, đẵn gỗ, phá nhà cửa, nhất là ở Dưỡng Thái và Phù Tải.
Do mắc mưu địch, một số đồng bào công giáo, có cả một số đồng bào lương hoang mang, dao động đổ về đường 5 để chuẩn bị di cư vào Nam theo địch. Trước tình hình này, ta tổ chức các trạm đón tiếp tại các ga Phạm Xá, Lai Khê, có các đội công tác ngày đêm thường trực vận động Nhân dân trở về quê hương. Để tạo điều kiện cho họ về quê, ta cấp gạo và tiền đi đường, mặt khác, ta tổ chức các đoàn thể đấu tranh với âm mưu của địch.
Trên địa bàn huyện, chúng đẩy mạnh cưỡng ép đồng bào các thôn công giáo ở Thắng Yên, Đồng Xá, Lộng Khê, Đồng Kênh, Nghĩa Xuyên...; ra sức lôi kéo, dụ dỗ phú nông, địa chủ và những phần tử phản động trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền, tề dõng theo chúng vào Nam. Nhờ có sự lãnh đạo thống nhất nên công tác thông tin tuyên truyền tố cáo âm mưu lôi kéo, doạ nạt, cưỡng ép Nhân dân di cư vào Nam của địch được thực hiện tốt.
Kết quả, đã có nhiều gia đình ở lại và trở về quê hương sinh sống. Trong các thôn xóm, chúng lợi dụng những tên côn đồ lưu manh, những phần tử xấu gây rối loạn trật tự trị an xã hội. Chúng tung tin đồn nhảm gây hoang mang trong Nhân dân, ném đất đá vào các cuộc họp và mít tinh của ta. Các cơ sở chúng gài gián điệp để dò la tin tức và ở lại làm chân tay cho chúng sau này. Thâm độc hơn nữa, ngoài việc tuyên truyền xuyên tạc, dùng thần quyền tôn giáo để mê hoặc Nhân dân, chúng còn trụy lạc hóa thanh niên, Nhân dân ta bằng các hình thức trai gái, rượu chè, cờ bạc, ăn tiêu xa xỉ, chơi bời lãng mạn...
Trước tình hình đó, Huyện ủy đã chỉ đạo chặt chẽ mọi công việc nhằm chống các khuynh hướng quá tả hoặc quá hữu khi có hành động khiêu khích đối với địch hoặc bỏ cho địch vơ vét, cướp bóc, phá hoại không đấu tranh. Huyện ủy nhấn mạnh phải nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ, bộ đội và Nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch; đồng thời phải tiến hành ổn định tư tưởng cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có người bị địch bắn giết trong kháng chiến.
Triển khai chỉ đạo của Huyện ủy, nhiều xã đã tổ chức lực lượng đến các nơi đồn trú của địch đấu tranh đòi chồng, con, đòi để dân đi lại tự do, điển hình là các xã: Bình Dân, Kim Xuyên, Cộng Hòa, Thượng Vũ. Nhiều xã còn cử người đi tìm chồng con, người thân trở về với làng xóm, quê hương. Phong trào vận động binh lính ngụy trở về với Nhân dân, không cướp bóc, phá hoại của dân ngày càng trở nên sôi nổi, tập trung chủ yếu ở các bốt dọc tuyến đường 5. Có ngày huyện huy động được hàng ngàn người (đa phần là các bà, các chị) bế con lên chặn ở các đoạn đường khu vực Phương Duệ, Phạm Xá, Lai Khê, khi xe lính ngụy từ phía Hà Nội chuyển về là bà con chặn lại, xông lên kéo anh em lính ngụy xuống vận động họ trở về với gia đình. Chỉ sau 10 ngày ngừng bắn, huyện đã vận động được 1.200 lính ngụy mang theo hàng ngàn khẩu súng các loại, hàng tấn đạn và quân trang, quân dụng nộp cho cách mạng, được ta giúp đỡ chứng nhận trở về địa phương. Trong thời gian này, huyện đã chỉ huy phá bốt Lạc Thiện (Liên Hòa) thu hàng trăm khẩu súng, đưa hàng chục lính ngụy trở về quê hương.
Ở các xã Kim Anh, Lâm Thái, chi uỷ đã lãnh đạo Nhân dân đấu tranh bảo vệ tài sản của công. Các cụ phụ lão, các bà, các chị phụ nữ tràn lên cầu ngăn chặn suốt mấy ngày đêm, không cho địch tháo dỡ cầu sắt trên sông mới dài 30m. Nhân dân trong xã cơm nắm, cơm gói hỗ trợ Nhân dân thôn An Thái đấu tranh, buộc địch phải nhượng bộ, không cho địch rời ca nô và phà Thái xuống Hải Phòng.
Sau một thời gian thực hiện ngừng bắn, tháng 10/1954, Huyện ủy đã triệu tập Hội nghị mở rộng tại Tiên Tảo (xã Thanh An, huyện Thanh Hà) để kiểm điểm các kết quả đạt được. Hội nghị nhận định: Được sự lãnh đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy và Tỉnh đội Hải Dương nên Huyện ủy Kim Thành cụ thể hóa được chủ trương, biện pháp sát, đúng với tình hình nên các ngành, các xã và từng đảng viên đã chấp hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ được phân công và giành được nhiều thắng lợi lớn. Các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể đã được củng cố và kiện toàn một bước.
Tuy địch vẫn dùng xe cơ giới bắn uy hiếp một vài nơi ở Phú Thái, Quỳnh Khê trong những ngày đầu ngừng bắn nhưng về cơ bản ta đã chặn đứng được mọi hành động cướp phá của địch, buộc chúng phải án binh bất động trong các đồn bốt để Nhân dân đi lại làm ăn, khí thế của Nhân dân trong huyện rất phấn khởi. Ta đã phát hiện một số tên gián điệp ở Phú Thái do tên Nguyễn Văn Lực (Kim Anh) cầm đầu và đã bắt đưa đi tù; bọn ngụy quân, ngụy quyền tan rã, những tên ác ôn có nhiều nợ máu phải bỏ trốn xuống Hải Phòng như tên tổng trưởng Lai Vu và bọn phản động ở An Bình, Tuấn Hưng.
Để tiếp tục lãnh đạo Nhân dân trong huyện thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp quản khu vực giới tuyến 100 ngày và đấu tranh với địch trong khu vực giới tuyến 300 ngày, Hội nghị đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục củng cố cơ sở đảng về mọi mặt, đưa sinh hoạt đảng từ huyện xuống cơ sở vào nền nếp, phân công trách nhiệm cho từng cấp ủy viên và đảng viên; nhanh chóng củng cố chính quyền các cấp và các đoàn thể quần chúng. Đặc biệt, phải nắm chắc lực lượng vũ trang, công an xã, xã đội. Sẵn sàng đối phó nếu địch phá hoại Hiệp định. Bắt ngay những tên mật thám do địch gài lại để chống phá cách mạng; tạo mọi điều kiện tương trợ nhau phục hồi sản xuất; chuẩn bị điều kiện tiếp quản khu vực 100 ngày sau khi quân Pháp rút lui.
Hội nghị quyết định chuyển các cơ quan của Huyện ủy, UBKCHC huyện, cùng các đoàn thể về đóng tại Tường Vu (Cộng Hòa). Ban chỉ huy Huyện đội về đóng tại thôn Giữa (Cổ Dũng), Công an huyện, Cơ quan thuế vụ lập cửa khẩu tại Phương Duệ. Huyện ủy đã quyết định bổ sung đồng chí Toàn vào Huyện ủy, đề nghị Tỉnh đội và Quân khu Tả ngạn bổ nhiệm đồng chí làm Huyện đội trưởng huyện Kim Thành.
Nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội, cơ quan về nơi làm việc mới, Tỉnh ủy giao cho huyện Kim Thành chuẩn bị vật liệu để xây dựng 120 gian nhà tre lợp rạ. Triển khai chủ trương trên, Huyện ủy đã chỉ đạo mỗi xã làm 10 gian, xã có dân số đông làm thêm công trình phụ. Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng.
Sáng ngày 01/11/1954, Nhân dân các xã được lệnh mang tre, rơm rạ, lên làm nhà cho bộ đội. Chỉ sau ba ngày, Nhân dân Kim Thành đã dựng được 120 gian nhà và bàn giao cho các đơn vị bộ đội về ở.
Nhiệm vụ được huyện xác định lúc này là: Khuếch trương thắng lợi đã giành được trong Nhân dân; tuyên truyền vận động Nhân dân phục hồi sản xuất; nêu cao tinh thần cảnh giác, giám sát chặt chẽ bọn do thám phản động; tiếp tục vận động Nhân dân đấu tranh địch vận; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống địch cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam.
Chúng ta đã vạch trần mọi âm mưu dụ dỗ và cưỡng ép di cư của địch, vận động được trên 2.000 đồng bào từ Nghệ An, Thanh Hóa kéo về “khu vực 300 ngày" để theo địch vào Nam quay trở lại quê hương, giữ được trên 3.000 đồng bào công giáo ở lại làm ăn.
Nhiều cuộc biểu tình của Nhân dân được tổ chức, Nhân dân cùng với các anh chị em công nhân đấu tranh giữ cầu cống, đường sá. Nhưng gay go, quyết liệt, dai dẳng hơn cả là cuộc đấu tranh giữ cầu phà An Thái, cầu Ngọ Dương, cầu sắt Bất Nạo, cầu Ngõng, cầu Sái... ta quyết không cho địch phá.
Trong tư thế của những người chiến thắng, Đảng bộ và Nhân dân Kim Thành dũng cảm kháng chiến, kiên trì trong đấu tranh chính trị, mặc dầu kẻ địch vẫn ra sức dọa nạt, hành hung nhưng ta vẫn đấu tranh giành giật gay gắt, quyết liệt và đã chiến thắng. Tuy không phải chiến đấu bằng súng đạn nhưng việc đấu tranh chính trị không kém phần gian khổ, khó khăn. Anh em bộ đội, công an, dân quân du kích, cán bộ ta ngày đêm lăn lộn trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự trị an trong xã hội để bảo toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội càng làm cho khí thế của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Kim Thành vui mừng hơn bao giờ hết. Mọi công việc sau ngày đình chiến đều diễn ra một cách thuận lợi.
Ngày 28/4/1955, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi khu vực 300 ngày trên địa bàn huyện, quân ta tiến vào tiếp quản, Kim Thành được giải phóng hoàn toàn khỏi ách xâm lược của bọn thực dân Pháp sau 9 năm kháng chiến gian khổ nhưng rất oanh liệt vẻ vang. Toàn dân trong huyện mít tinh mừng chiến thắng, báo hiệu cuộc sống mới bắt đầu. Từ đây Nhân dân ta được sống trong độc lập tự do, làm chủ vận mệnh đất nước, được làm nghĩa vụ của người công dân trong chế độ mới, thật sự bắt tay vào cải tạo và xây dựng quê hương xã hội chủ nghĩa.