Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình lịch sử cách mạng và di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Di tích lịch sử Miếu Vàng, xã Hòa Bình, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

Di tích lịch sử Miếu Vàng, xã Hòa Bình, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Di tích Miếu Vàng

1. Thông tin chung về di tích
Miếu Vàng hay còn có một số tên gọi khác như Đền Vàng, Miếu Cầu hoặc Miếu Me.
Miếu Vàng thuộc làng Hoàng Xá (nay là thôn Hưng Hòa), xã Liên Hoà cũ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Đi từ trung tâm huyện theo Quốc lộ 17B (đường tỉnh lộ 188 cũ) qua địa phận các xã Kim Anh, Ngũ Phúc, Kim Đính, khoảng 10 km đến ngã ba khu đô thị mới xã Bình Dân cũ rẽ phải vào xã Liên Hòa cũ. Đi đến ngã tư hội trường UBND xã Liên Hoà cũ rẽ trái khoảng 300 m đến ngã tư, rẽ phải và đi tiếp khoảng 700 m là đến Miếu Vàng.
Miếu Vàng có tổng diện tích đất là 5.370 m2 gồm nhà Tiền bái, Hậu cung và các công trình phụ trợ như nhà khách, khu tạo soạn, khu vệ sinh, sân,… Phía trước có một ao lớn gần 1.000 m2.
Miếu Vàng được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích Lịch sử cấp Tỉnh theo Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 07/02/2013.
 2. Lịch sử di tích và nhân vật được thờ
Miếu Vàng là điện thờ Đức Thánh Phạm Tử Nghi, một quan tướng đời Nhà Mạc. Ngài sinh ra ở làng Vĩnh Niệm thuộc tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Thuở nhỏ, Ngài chăm học kinh sử, tài trí hơn người. Lớn lên sức khỏe cường tráng, võ nghệ phi thường. Ngài có nhiều công lao giúp dân, giúp nước, diệt được 03 con voi dữ nên được Vua phong làm “Đại tướng quân" và gả cho Thượng công chúa. Thời Chính Trung năm Dần, Ngài được ủy thác giúp Vua còn nhỏ tuổi giữ việc triều chính. Thời Vua “Tây Thiên Vương", Ngài dâng biểu tấu xin được cầm quân đi lấy 02 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây thu phục lại đất cũ của tổ tiên ta. Được Vua đồng ý, Ngài đã mang quân lên đánh Lưỡng Quảng, tiến vào Nam Kinh, Trung Quang. Ngài cho mở chiến lược bầy trận đồ hoàn, một trận đại thắng, chỉ trong tối sáng Ngài đã thu về được 02 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.
Do khiếp sợ tài trí của Ngài, quân nhà Hán tìm cách bắt mẹ Ngài để dụ hàng. Đứng trước bên Hiếu, bên Trung, Ngài sai sứ giả mang nghi thức đón mẹ về và làm hòa giải. Đến ngày hẹn, Ngài cưỡi ngựa đến trại và trúng phải kế gian độc của quân Mã Viện. Ngài rút gươm cưỡi ngựa chiến, tay vung gươm giết giặc và hô lên: “Chúng bay là lũ tiểu nhân lòng thú, dối lời hẹn ước, ta sống chết chưa báo thù được cho nước thì sẽ rửa hận cho nước Nhà" và gọi lớn: “Mẹ ơi, Mẹ ở nơi nào".
Biết là không dụ hàng được Ngài, quân Mã Viện nhà Hán đã bắn tên, nổ pháo để giết hại Ngài. Chúng làm linh cữu trong quan, ngoài quách, đặt thủ cấp của Ngài vào trong và làm lễ tế, phong cho Ngài là “Thượng đẳng thần của hai nước" và đặt linh cữu của Ngài lên bè thả xuống sông trôi về Việt Nam, đến bến sông Niệm thì dừng lại. Các quan viên trong làng và nhân dân đã đón rước linh cữu của Ngài lên và làm lễ an táng rất long trọng.
Ngài mất ngày 14 tháng 9 đời Lê Quang Hưng (1578 -1585). Linh cữu của Ngài khi trôi sông, có ghé vào và dừng lại ở bến sông Vàng Xá của làng Hoàng Xá. Do vậy, Nhân dân đã lập Miếu thờ Ngài.
Theo Ngọc phả và truyền thuyết các cụ xưa kể lại thì Miếu Vàng được xây dựng từ thời nhà Mạc. Do sự linh ứng của Miếu, quan phủ tổng thời đó đã quyết định tôn tạo lại to và rộng hơn, với quy mô 5 gian tiền bái, 2 gian hậu cung bằng gỗ lim.
Miếu Vàng được tọa lạc trên một khu đất rộng, cao ráo tại bến sông Vàng Xá, nơi linh cữu của Ngài ghé lại. Chỉ có một con đường duy nhất đi từ giữa làng đến Miếu. Miếu quay về hướng Nam, nhìn ra dòng sông phía trước uốn lượn và rừng me xanh tốt, nên Miếu còn có tên gọi là Miếu Me. Phía sau Miếu có cây Lim cổ thụ bốn mùa xanh tươi.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta bước vào giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, Miếu Vàng đã trở thành nơi hội họp bí mật của chi bộ Đảng và các tổ chức cách mạng của xã. Sau chiến thắng lịch sử oai hùng Trại Mía xã Liên Hòa đầu năm 1951, giặc Pháp càng điên cuồng đàn áp, trả thù bắn giết người dân vô tội. Miếu Vàng là địa điểm tổ chức lễ truy điệu 104 người nông dân của xã bị giặc Pháp bắn chết tại bến bãi cõi Đò Nhân năm 1951 trong tuần lễ căm thù giặc Pháp xâm lược. Tại lễ truy điệu, đồng chí Nguyễn Ngọc Tháp, Bí thư Huyện ủy Kim Thành về dự và phát động phong trào “Biến đau thương thành hành động cách mạng" tạo sức mạnh mới cho phong trào cách mạng xã Liên Hòa lúc bấy giờ.
3. Kiến trúc xây dựng và các di vật cổ
Năm 1951, cùng với các di tích khác, Miếu Vàng phải thực hiện tiêu thổ để phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Những chứng tích của di tích còn lưu giữ được là cây lim cổ thụ trên năm trăm tuổi, bát hương đá, tấm bia hạ mã có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ thứ XIX) và một quyển Ngọc phả ghi rõ thân thế và sự nghiệp của Đức Thánh Phạm Tử Nghi.
Năm 1998, Miếu Vàng được Nhân dân phục dựng lại với quy mô 03 gian tiền bái, 02 gian hậu cung bằng gỗ lim. Năm 2016, Miếu được Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch chấp thuận cho phép tôn tạo với qui mô 05 gian tiền bái, 02 gian hậu cung làm bằng gỗ lim kiểu nhà gỗ truyền thống, mái đao déo nóc.
Miếu Vàng được xây dựng theo lối kiến trúc cổ kiểu chữ Đinh, có đắp lưỡng long, song phụng, mái lợp ngói mũi. Bên trong các bức cốn, xà, đầu bẩy chạm tứ quý và tứ linh. Cửa võng, đại tự, câu đối làm bằng gỗ. Phía trước cửa Miếu có nghi môn. Quy mô, kết cấu, vật liệu xây dựng, hoạ tiết, nghệ thuật trang trí, dấu tích còn lại liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử.
Miếu Vàng hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật như tượng Đức Thánh Nam Hải Đại vương Phạm Tử Nghi; khám gỗ; bộ ngũ sự bằng đồng; bát hương đá; bộ bát biểu; tấm bia hạ mã (cuối thế kỷ XIX).
Trong khuôn viên Miếu còn có 01 cây Lim cổ thụ trên 500 năm tuổi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận “Cây di sản Việt Nam" và lập Văn bia năm 2023.
4. Tổ chức lễ hội
Hằng năm, Miếu tổ chức 02 kỳ lễ tiết là lễ hội vào đám từ ngày 19 đến 21 tháng Giêng và Lễ húy nhật kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh vào ngày 15 tháng 9 âm lịch. 02 kỳ lễ tiết diễn ra với quy mô lớn, nhân dân trong làng, xã và khách thập phương tổ chức nghi lễ cầu may, chúc phúc, cầu an, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu và ca ngợi công đức lớn lao của Đức Thánh Phạm Tử Nghi, đặt niềm tin, hy vọng về những điều tốt đẹp mà Đức Thánh tối cao và tối linh ban cho. Các hoạt động tế, lễ, rước, các trò chơi, diễn xướng dân gian đều được tổ chức long trọng, tôn nghiêm đã thực sự trở thành ngày hội sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân nhiều làng, xã lân cận. Qua hoạt động của lễ hội đã giáo dục cho các thế hệ con cháu hiểu được cội nguồn lịch sử và truyền thống của quê hương, đất nước, giữ gìn nền nếp, gia phong, đạo lý làm người hướng tới cuộc sống Chân - Thiện - Mỹ.