Biển gắn tên di tích Trại Mía
1. Thông tin chung về di tích
Xã Liên Hòa cũ nằm ở phía Đông Nam huyện Kim Thành, là địa danh gắn với chiến thắng Trại Mía lịch sử oai hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đi từ trung tâm huyện theo đường Quốc lộ 17B (đường Tỉnh lộ 188 cũ) qua địa phận các xã Kim Anh, Ngũ Phúc, Kim Đính, Bình Dân cũ khoảng 10 km đến ngã ba Công ty Tân An và khu đô thị mới rẽ phải vào xã Liên Hòa cũ. Đi thẳng đường trục liên xã qua cổng chào khoảng 500 m, đến ngã ba rẽ phải đi thẳng 500 m nữa đến cổng chùa Vàng (Chùa Hưng Long), nhìn sang hướng Bắc là khu di tích Lịch sử Trại Mía.
Trại Mía thuộc làng Hoàng Xá, tổng Phí Gia, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (Nay là thôn Bắc Thắng, xã Hoà Bình, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Theo sách Việt Nam thống nhất trí của Quốc sư triều Nguyễn đời nhà Quang Thuận (thế kỷ thứ XV), làng Hoàng Xá là huyện lỵ của huyện Kim Thành (còn gọi là Huyện Vàng), nơi có nhà thương đầu tiên của huyện. Ngày 25/8/1945, 04 làng đó là: Hoàng Xá, Cao Ngô, Trung Hạng, Lạc Thiện đã hợp nhất thành 01 xã và lấy tên là xã Liên Hòa.
Trước kia, Trại Mía có tổng diện tích đất là 15.255 m2. Sau hòa bình, khu Trại Mía được quy hoạch, cải tạo thành ruộng để phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, vì nhiều nguyên nhân nên Trại Mía được quy hoạch với diện tích 11.440 m2 và mới chỉ gắn tên “Di tích lịch sử Trại Mía, xã Liên Hòa" mà chưa xây dựng được Bia Chiến Thắng ở nơi đây.
2. Ý nghĩa lịch sử của di tích Trại Mía
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Liên Hòa là một xã nằm trong vùng tạm chiếm (Bốt Đồng Xá cách xã 500 m, Bốt Thanh Hà… có lính Pháp, lính Âu Phi đóng quân). Mỗi lần địch càn quét, chi bộ Đảng của xã đã lãnh đạo Nhân dân phối hợp với bộ đội huyện tổ chức đánh trả làm địch bị tổn thất nhiều lực lượng.
Ngày 08/10/1950, giặc Pháp đã huy động lực lượng lính Lê Dương tinh nhuệ gồm cả thủy, lục, không quân về càn quét, bắn chết 104 người, 47 con trâu tại bãi cói Đò Nhân. Ủy ban kháng chiến hành chính của xã đã tổ chức lễ truy điệu trang nghiêm cho các đồng chí và những người dân bị chết tại Miếu Vàng và phát động tuần lễ Căm thù biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết trả thù cho bãi cói Đò Nhân.
Tháng 12 năm 1950, lúc bấy giờ Liên Hòa được Huyện ủy chỉ đạo đón bộ đội về xã. Chi bộ Đảng lãnh đạo Nhân dân đào hầm bí mật, quyên góp lương thực để giúp bộ đội chỗ ăn nghỉ. Đồng chí Nguyễn Văn Lộc, Bí thư chi bộ cùng đồng chí Vịnh, Tiểu đoàn trưởng bộ đội đã lên phương án tác chiến, bố trí sẵn trận địa, sau đó tung tin Nhân dân rào làng kháng chiến.
Ngày 19/01/1951, quân địch ở bốt Đồng Xá hùng hổ kéo về, rơi vào trận địa được bố trí sẵn. Quân ta thu được 15 súng các loại, tiêu diệt được 12 tên địch, bắt sống 07 tên, số còn lại chạy tán loạn vào làng bị Nhân dân dùng gậy, cuốc, thuổng, đòn gánh,… đánh và bắt gọn.
Khoảng 12 giờ trưa, lực lượng tinh nhuệ của địch gồm đại đội lính Âu phi do tên quan 2 La Đơi chỉ huy từ bốt Kinh Giao kéo về bốt Đồng Xá rồi sang xã Liên Hòa để tiếp viện. Lực lượng du kích mai phục ở phía tây Trại Mía được bố trí nổ súng để dụ địch lọt vào trận địa. Khi địch vào tới khu Trại Mía, quân ta bắt đầu phát hiệu lệnh tấn công, bốn phía xiết chặt vòng vây hô xung phong và nổ súng vang rền. Địch phải co cụm và chạy sâu vào trong khu Trại Mía.
Sau gần 2 giờ chiến đấu, Đại đội lính Âu Phi đã bị tiêu diệt. Một số bị bắt sống, trong đó có tên quan 2 La Đơi đã phải giơ tay đầu hàng. Một tốp lính da đen ngoan cố chạy vào nhà bà Thoan, núp dưới gầm giường bắn ra. Đồng chí du kích Lương Văn Lạm đã mưu trí trèo lên nóc nhà vạch rạ ra và mở kíp lựu đạn, ném xuống trúng đích. Toán lính da đen, người bị chết, người bị thương, buộc phải đầu hàng.
Quân địch khi được tin, liền dùng 4 máy bay đến nhả đạn tại khu Trại Mía nhưng trước khi quân địch quay trở lại, lực lượng quân đội đã áp giải tù binh đi, Nhân dân đã nhanh chóng phối hợp chuyển tải thương binh, chôn cất các liệt sỹ và rút khỏi Trại Mía.
Trận đánh Trại Mía đã chiến thắng oai hùng, tiêu diệt gọn 01 đại đội lính Âu Phi, 01 trung đội ngụy, thu 01 súng cối 81 ly, 02 đại liên, 08 trung liên, 45 tiểu liên, gần 100 súng trường và đặc biệt đã bắt sống được tên quan 2 La Đơi. Quân địch thua trận, hoảng loạn. Lính ở bốt Đồng Xá hàng tuần liền không dám ra khỏi cổng, mãi sau mới dám mò về Trại Mía để đào bới và tìm xác chết khiêng đi.
Chiến thắng lịch sử Trại Mía được lịch sử Đảng bộ huyện Kim Thành, lịch sử Đảng bộ xã Liên Hòa cũ và Kỷ yếu của Quân khu ba ghi chép lại. Đây được coi là khúc ca hùng tráng, nức lòng Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là kết quả của lòng yêu nước, yêu quê hương, lòng căm thù giặc sâu sắc, là ý Đảng, lòng dân và sự đoàn kết của quân dân đã kết thành một khối vững chắc, không lay chuyển.
Trong tâm thức của Nhân dân huyện Kim Thành nói chung và Nhân dân địa phương nói riêng, di tích lịch sử Trại Mía là điểm đến để Nhân dân tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với các thế hệ cha ông trong công cuộc kháng chiến kiến quốc và là dấu mốc lịch sử để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, đất nước và lòng tự tôn dân tộc Việt Nam.