1. Thông tin chung về di tích
Tên Chùa Cao Ngô là cách gọi theo tên thôn Cao Ngô, ngoài ra chùa còn có tên nôm là Chùa Buộm, tên tự là Vinh Khánh tự.
Chùa Cao Ngô tọa lạc tại thôn Cao Ngô, xã Liên Hoà cũ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Đi từ trung tâm huyện theo Quốc lộ 17B (đường tỉnh lộ 188 cũ) qua địa phận các xã Kim Anh, Ngũ Phúc, Kim Đính đến ngã ba khu đô thị mới xã Bình Dân cũ rẽ phải đi đến ngã tư Hội trường UBND xã Liên Hoà cũ rẽ phải đi khoảng 750 m đến cuối thôn Cao Ngô là đến chùa Cao Ngô.
Chùa được nằm trên một mảnh đất cao ráo, độc lập với khu dân cư, tổng diện tích đất của di tích là 4.445m2, trong đó ngôi Tam Bảo có diện tích 250m2. Các công trình như nhà Tổ, Niệm Phật Đường, nhà Mẫu, Tam quan và công trình phụ trợ như nhà khách, nhà nghỉ của tăng, ni, khu tạo soạn, khu vệ sinh, sân… đã được xây dựng. Phía trước có một ao nhỏ.
Chùa Cao Ngô được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 3158/QĐ-UBND ngày 22/11/2010.
Ngôi Tam Bảo
2. Lịch sử di tích và nhân vật được thờ
Theo lưu truyền, Chùa Cao Ngô được xây dựng vào thời kỳ hậu Lê hoặc thời nhà Nguyễn (Thế kỷ thứ XVIII - XIX) do nhà sư Đặng Thành Hải khởi dựng. Lúc đầu, chùa được xây dựng đơn giản tại khu Đầu Đoàn. Với quan niệm chùa phải quay về hướng Tây Bắc, quay về với quê hương của Phật Thích Ca Mâu Ni nên chùa đã được chuyển về ngã tư đường của thôn Cao Ngô và cuối cùng là về cuối thôn Cao Ngô (Vị trí chùa hiện nay).
Năm 1893, sư cụ Thích Trí Nguyên xây dựng thêm 03 ngôi Tháp Cổ để xá lỵ của các vị sư trù trì và một số công trình phụ trợ. Năm 1936, cụ sư Mái, người trụ trì tại chùa tiếp tục trùng tu các công trình của chùa to đẹp hơn.
Năm 1947, toàn bộ công trình của chùa bị tháo dỡ, chỉ để lại nhà thờ Tổ để thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Do thất bại trong trận càn Trại Mía, năm 1952 giặc Pháp quay lại trả thù và đốt phá toàn bộ nhà thờ Tổ. Khu di tích chỉ còn lại nền và bãi đất trống.
Năm 1993, Nhân dân phục dựng lại chùa trên nền cũ gồm nhà Tam Bảo có quy mô 5 gian Thượng Điện, 3 gian Hậu Cung và 5 gian nhà Tổ. Năm 2023, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận cho phép tôn tạo nhà Tam Bảo với quy mô 5 gian Thượng Điện, 3 gian Hậu Cung. Trong những năm gần đây, một số công trình tiếp tục được tu sửa, tôn tạo như sân vườn, đường dạo, trồng thêm nhiều cây xanh, khu di tích ngày một khang trang đẹp đẽ.
Chùa Cao Ngô thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm Tam tổ, một thiền phái riêng biệt của người Việt Nam và là một trong 72 sơn môn của Viện tổ Đình Quang Khánh (Chùa Muống). Do đó tại nhà Tổ có thờ tượng Đức Thánh Tổ Non Đông.
Niệm Phật đường
3. Kiến trúc xây dựng và các di vật cổ
Chùa Cao Ngô có quy mô vừa, chất liệu bê tông cốt thép, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), bao gồm 5 gian Tiền Đường và 3 gian Thượng Điện. Xây dựng theo kiểu bít đốc bổ trụ. Tam quan chùa khá đồ sộ ở phía Nam, công trình có một số mảng phù điêu nghệ thuật.
Tiền Đường gồm 4 vì kèo chất liệu bằng bê tông cốt thép làm giả gỗ. Mỗi vì kèo có cột và kẻ hiên rộng. Toàn bộ các cột quân đều trốn, các xà nách gác thẳng vào tường. Kết cấu các vì kèo, hoành, rui, gộp của toà nhà này theo kiểu chồng rường, Các chi tiết chắc khoẻ đều được sơn giả gỗ khá đẹp. Mái lợp ngói mũi, bờ nóc bờ cánh mềm mại với các đường chỉ kép mềm mại. Móng, tường xây bằng gạch chỉ.
Thượng Điện nối liền với toà Tiền Đường. Công trình có 2 vì kèo chính, kết cấu mỗi vì kèo theo kiểu chồng rường, trốn các hàng cột quân, xà nách gác thẳng vào tường. Chất liệu của các vì kèo là bê tông cốt thép sơn giả gỗ chắc chắn. Móng, tường xây bằng gạch chỉ mái lợp ngói mũi, hoành, dui bằng gỗ. Công trình đồng bộ với toà tiền đường.
Ngoài chùa chính, nhà Tổ được xây dựng phía sau chùa, qua một khoảng sân hẹp. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian tiền tế và 1 gian nhỏ hậu cung, xây dựng theo lối thu hồi bít đốc hồi văn. Kết cấu cấu công trình đơn giản nhưng rộng rãi. Đây là nơi thờ Thánh tổ Non Đông và các vị sư đã từng trụ trì và có công tu bổ, tôn tạo chùa.
Phía Bắc chùa có các công trình nhà thờ Mẫu, nhà kho và khu phụ trợ, các công trình này đều có kiến trúc kiểu chữ Nhất (-) và kết cấu đơn giản.
Nhà thờ Mẫu
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều hiện vật tại di tích đã bị mất mát, hư hỏng. Hiện tại, chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị gồm 24 pho tượng, 01 tòa Cửu Long, 03 bức Đại tự, 04 cửa võng, 04 câu đối, 01 nhang án, 01 chuông đồng, 01 bát hương và nhiều đồ thờ tự khác. Hệ thống tượng tại chùa được đánh giá là khá đầy đủ. Mỗi pho tượng là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, được kiến tạo khá công phu, mang được cái hồn trong hội họa, cái sắc trong các lớp sơn thếp với tỷ lệ cân đối trong tạo hình.
4. Tổ chức lễ hội
Do tính chất chùa Cao Ngô thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm Tam tổ, lại là ngôi chùa trực thuộc vào chốn tổ chùa Muống nên chùa cũng có lễ hội truyền thống tương tự. Ngoài những ngày rằm, mùng một theo sự lệ của chùa, tại chùa còn có Lễ hội truyền thống diễn ra từ ngày 25 đến 27 tháng giêng hằng năm. Lễ hội là kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh tổ Non Đông - Từ Giác Quốc Sư Tuệ Nhẫn. Ngày 25 và 26 là ngày lễ Phật, cúng Phật. Tối ngày 27 có lễ “Mộc Dục" với nghi thức trang nghiêm.
Lễ hội diễn ra với quy mô vừa phải, các tín đồ, phật tử và Nhân dân của làng, khách thập phương cùng với trụ trì chùa tổ chức nghi lễ cầu may, cầu an, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu và ca ngợi công đức lớn lao của Đức Thánh Tổ. Các hoạt động lễ, rước, các trò chơi, diễn xướng dân gian đều được tổ chức long trọng, tôn nghiêm đã thực sự trở thành ngày hội sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong và ngoài xã.