Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình lịch sử cách mạng và di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Di tích Đình Nại Thượng, xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

DI tích Đình Nại Thượng, xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
 
Đình Nại Thượng, xã Đại Đức​
1. Thông tin chung về di tích
Tên thường gọi là Đình Nại Thượng, tên di tích gắn liền với tên địa danh của địa phương một cách tự nhiên từ trong lịch sử.
Đình Nại Thượng xưa thuộc thôn Thượng, đến năm Khải Định 9 (1924), thôn Thượng chuyển thành xã Nại Thượng, thuộc tổng Nại Xuyên, huyện Kim Thành. Nay đình thuộc thôn Nguyễn Bạo, xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Từ trung tâm huyện, đi theo tuyến đường Quốc lộ 17B khoảng 13km đến ngã ba Đường Than rẽ phải, đi thêm 1,6km nữa là đến di tích. Di tích Đình Nại Thượng nằm ở bên phải đường. Đình nằm trên mảnh đất cao ráo mặt chính của di tích quay về phía Nam, phía Đông giáp với đường thôn, phía Tây và phía Bắc giáp với khu dân cư
Đình Nại Thượng, xã Đại Đức được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá theo Quyết định số 4981-QĐ/UBND Ngày 01/11/2005.
​2. Lịch sử di tích và nhân vật được thờ
Theo truyền ngôn, Đình Nại Thượng là một ngôi miếu nhỏ. Hoà bình lập lại (1954), nhân dân địa phương xây dựng tạm 2 gian nhà nhỏ để làm nơi thờ các vị Thành Hoàng của làng. Đến năm 1998, bằng sự đóng góp của nhân dân và các nhà hảo tâm, Đình Nại Thượng được khôi phục lại trên nền cũ. Hiện nay trong Đình Nại Thượng ngoài việc thờ 7 vị họ Hoàng còn vọng thờ Thái uý Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo.
Theo ngọc phả, sắc phong còn lưu lại, ở trang Nại Xuyên, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương xưa, có gia đình họ Hoàng, huý là Nghiêu, vợ là Lê Thị Phương, vốn dòng dõi thi lễ, giàu có, đức độ, lấy nghề dạy học, bốc thuốc cứu giúp người nghèo khó. Họ sinh được 7 người con, trong đó có 5 người con trai là Uy Công, Thượng Công, Đức Công, Cao Công, Độ Công và 2 người con gái là Thiện Hộ và Thiện Bộ. Lớn lên, cả 7 anh em đều thông minh, văn võ song toàn nổi tiếng trong vùng.

Sắc phong của 07 vị Thành Hoàng

Thời gian đó, nước ta có giặc Tô Định, nhà Hán dẫn 5 vạn binh lính đến xâm lược, gây ra bao đau thương tang tóc. Trước cảnh nước mất, nhà tan, hai Bà Trưng Trắc - Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát, Sơn Tây (nay là xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). 7 anh em họ Hoàng liền chiêu mộ nam nữ hương binh tại bản trang được hơn nghìn người đến yết kiến Hai Bà, bày tỏ mong muốn gia nhập cuộc khởi nghĩa chống giặc. Hai Bà thấy 7 anh em đối đáp trôi chảy, có tài văn võ, thao lược liền chiêu nạp, phong cho 5 người con trai chức Tiền đạo đô chỉ huy sứ tướng quân, 2 người con gái là Nội thị. 7 anh em cùng cầm quân phân thành các đạo, tiến thẳng đến đồn Tô Định, đánh một trận lớn khiến cho quân giặc đại bại.  Đất nước thái bình, 7 anh em họ Hoàng được phong hưởng thực ấp ở trang Nại Xuyên. Về bản trang, thấy nhân dân còn nghèo khổ, 7 anh em bèn xuất tiền mua ruộng giúp nhân dân mở mang cày cấy.
Được 3 năm, tướng giặc Mã Viện nhà Hán lại tiếp tục mang quân đến xâm lược. Trưng Vương lo lắng xuống chiếu triệu 7 anh em mang quân đến giúp. Sau nhiều trận chiến đấu, lực lượng ngày càng mỏng dần, quân ta bị địch bao vây, 7 anh em khi chèo thuyền đến sông Ngọ Dương thì bỗng nhiên hóa (mất). Nhân dân trang Nại Xuyên nghe tin vô cùng thương tiếc đã lập miếu thờ 7 anh em, tôn làm thành hoàng. Để tưởng nhớ công lao của 7 anh em tướng lĩnh họ Hoàng cùng nghĩa quân đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Hán cứu nước. Đến thời vua Lý Nam Đế đã đặc sắc cho nhân trang vùng lập đền miêu phụng thờ tại vùng tứ xã Đại Xuyên, nơi quê hương đã sinh ra các chư vị. Vong linh của các thần hoàng được phụng thờ tại 5 ngôi đình đó là: Nại Thượng, Nại Đông, Kim Đám, Ngọ Dương và Định Giàng.
Trong 2 bản ngọc phả gồm 19 trang được viết bằng chữ Hán và 1 văn bản ngọc phả gồm 6 trang viết bằng chữ quốc ngữ đến năm 1938 được lưu trữ tại học viện thông tin khoa học xã hội Hà Nội khẳng định các vị thần Hoàng đã được phụng thờ cụ thể như sau:
Thánh Cả: Đệ Nhất Uy Công Đại Vương tức Hoàng Công Uy tên hiệu vua phong: Đức đấng cảnh thành hoàng Quảng Độ linh ứng Đại Vương (Thờ tại Đình Nại Thượng)
Đệ Nhị: Thượng Công Đại Vương tức Hoàng Công Thượng tên hiệu vua phong Đức đấng cảnh thành hoàng Đồng Đài Đại Vương (thờ tại Đình Nại Đông)
Đệ Tam: Đức Công Đại Vương tức Hoàng Công Đức, tên hiệu vua phong: Đức đấng cảnh thành hoàng An nhân hiệu ứng Đại Vương (thờ tại Đình Nại Thượng)
Đệ Tứ: Công Cao Đại Vương tức Hoàng Công Cao, tên hiệu vua phong: Đức đấng cảnh thành hoàng Độ Vang Công Cao Đại Vương (thờ tại Đình Kim Đám)
Đệ ngũ: Độ Công Cao Đại Vương tức Hoàng Công Độ, tên hiệu vua phong: Đức đấng cảnh thành hoàng Quảng độ cư sĩ Đại Vương (thờ tại Đình Ngọ Dương)
Đệ lục: Thiện Hộ Đại Vương tức Hoàng Thị Thiện Hộ, tên hiệu vua phong: Đức đấng cảnh thành hoàng Thiện Hộ Tân Trầu (thờ tại Đình Định Giàng)
 Đệ thất:Thiện Bộ Đại Vương, tức là Hoàng Thị Thiện Bộ, tên hiệu vua phong: đức đấng cảnh thành hoàng Thiện Bộ chi thần (thờ tại đình Định Giàng).
Trong kháng chiến chống Pháp, Đình Nại Thượng là trụ sở của Uỷ ban Lâm thời. Năm 1946, Đình Nại Thượng là điểm bầu cử Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.    
3. Kiến trúc xây dựng và các di vật cổ
Theo truyền ngôn, Đình Nại Thượng được xây dựng vào thế kỷ 11 vào năm 1035 khi vào bái trong đình, Lý Thường Kiệt cấp 3 đấu vàng xây dựng lại đình theo kiểu bít đốc gồm 5 gian Đại bái và quy hướng đông (trước đó làng xây dựng 3 gian Đại bái và 1 gian Hậu cung, quy mô nhỏ).
Đến năm 1930, dân sở tại thấy các thành hoàng thiêng, mặt khác do đình xuống cấp nặng, nên đình được trùng tu lại và quy về hướng Nam như hiện nay. Kiến trúc đình khá lớn theo kiểu “Tiền Nhất hậu Đinh", trong đó 5 gian Đại bái và 3 gian Trung từ có kiến trúc kiểu đầu đao tàu déo góc, 1 gian hậu cung xây bít đốc bổ trụ. Trong đình có nhiều trạm khắc rất đẹp.
Năm 1946 Pháp đánh chiếm đình, nhân dân đã đánh trả quyết liệt và đình bị phá huỷ vào năm 1949. Sau hoà bình nhân dân xây lại 2 gian nhỏ để thờ vị Thành Hoàng.
Năm 1998, bằng sự đóng góp của nhân dân và các nhà hảo tâm Đình Nại Thượng được xây dựng lại trên nền cũ. Kiến trúc khung vì bê tông cốt thép, giả gỗ, lợp ngói mũi. Tường xây bằng gạch chỉ, nền lát gạch. Kiến trúc ngôi đình hiện nay, quy mô không lớn nhưng kiến trúc giữ được dáng vẻ của một công trình có kiến trúc truyền thống. Do di tích mới được xây dựng lại nên các hạng mục công trình còn khá mới, chất liệu tốt. Di tích hiện nay khá khang trang.
Trước đây di tích có khá nhiều cổ vật và đồ thờ tự song do chiến tranh, các hiện vật đều mất mát và hư hỏng. Hiện nay di tích còn lưu giữ được 2 đạo sắc phong thời Nguyễn, vào năm Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 9 (1924). Ngoài ra, nhân dân mua sắm được nhiều đồ tế tự mới.
4. Tổ chức lễ hội
Dưới thời phong kiến, tại di tích có 4 kỳ lễ và lễ hội:
- Kỷ niệm ngày sinh của 5 vị thành hoàng làng (năm vị nam thần) vào ngày 11 tháng Giêng.
- Kỷ niệm ngày sinh của 2 vị thành hoàng (hai vị nứ thần).
- Kỷ niệm ngày mất của 7 vị thành hoàng vào ngày 25 tháng 12
- Lễ khánh hạ kỳ phước vào ngày 15 tháng 11
Trong đó lễ hội ngày 15/11 (âm lịch) là lễ hội lớn nhất trong năm.
Làng Nại Thượng dưới thời phong kiến có 4 giáp là: Lý Nhân, Tân Giáp, Trung Hoà và Cựu Dân. Các giáp này đều có ruộng nuôi lợn để tế khi mở lễ hội. Vào ngày 14 tháng 11 là ngày lễ "rước văn". Trong ngày này các hương lý, kỳ hào bố trí thanh niên khoẻ mạnh mang án thư rước văn từ nhà ông "Hành văn" (mỗi năm có một ông Hành văn của một giáp. Theo lệ cũ sau mỗi năm lại đổi sang người khác. Ông Hành văn là người phải mang của cải ra khao làng trong cả 1 năm. Sau đó ông được ăn khao của những gia đình khi có việc trong nhiều năm kế tiếp). Sau khi rước văn ra đình thì ngày 15 mới tổ chức tế lễ. Cùng chiều 14, các kiệu ở các Đình Ngọ Dương, Đình Đính, Đình Nái, Kim Định cũng rước kiệu đến Đình Nại Thượng để dự lễ hội. Chiều 14 kiệu của Uy Công (anh cả) được rước đến đống Đền Chào (cách đình 800m về phía Tây Bắc, đã bị phá năm 1962). Sau khi kiệu của Uy Công chào xong thì kiệu của các em mới được vào đình. Các kiệu đều đặt ngoài sân. Buổi tối riêng làng Nại Thượng được tế trước.
Sáng ngày 15, các phe giáp rước lợn sống, bánh dầy, bánh chưng ra đến bến nước trước đình (cách đình hiện nay 100m). Ông tế chủ vào đình thắp hương, sau đó mang rượu cho mỗi con lợn sống uống 1 chén rượu, người nuôi lợn lấy dây đo cổ lợn, con nào to thì được làng thưởng cho 1 yếm lụa và 1 đồng bạc cho vợ người nuôi lợn. Các con lợn này được chọn giống kỹ, từ tháng 10 chỉ cho ăn cháo, trứng gà, chuối tiêu và tắm rửa cho lợn rất cẩn thận. Khi đo lợn phát thưởng xong, 4 giáp cử các trai phe đóng khố chít khăn đỏ, cầm dao nhọn, múa khoảng vài phút, cả làng reo hò. Sau đó ông chủ tế phất cờ chiêng trống nổi lên, các trai phe bắt đầu chọc tiết lợn và thi mổ nhanh. Khi lợn làm xong đặt lên 4 án thư rước vào sân đình làm lễ tế thần. Sau khi tế xong mang một con lợn ra miếu Đình Bàng (nơi thờ 1 vị Nữ thần) và một con ra chùa làm lễ. Trong cuộc thi mổ lợn, con nào được giải 1, 2 được để lại đình, con được giải 3, 4 thì rước ra miếu, ra chùa. Trong khi rước, trong Đình Nại Thượng lại có tục thi bánh dầy, bánh xu xê khá hấp dẫn. Tế lễ xong các phe giáp mang lợn về làm lễ ăn chiều tại nhà người nuôi lợn, nếu cỗ ngon được thưởng 1 đồng bạc, nếu không ngon sẽ bị giáp phạt. Tối 15 đóng cửa đình kết thúc lễ hội.
Trong những ngày lễ hội đã diễn ra nhiều trò chơi dân gian như vật, đi cầu thùm, chọi gà, bắt vịt... buổi tối có hát chèo. Khách của làng và thập phương dự lễ hội khá đông.