Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Công trình lịch sử cách mạng và di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Kim Thành: Di tích Tượng đài Tiếng sấm đường 5, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành

Di tích Tượng đài Tiếng sấm đường 5, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành.

Tượng đài Tiếng sấm đường 5
1.Thông tin chung về di tích
          Di tích lịch sử “Tượng đài Tiếng sấm đường 5" được xây dựng nhằm ghi lại dấu ấn lịch sử quan trọng trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp trên đường 5 và đường sắt Hải Phòng - Hà Nội của quân và dân 3 tỉnh: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.
          Di tích được quy hoạch xây dựng theo Quyết định số 939/QĐ-BQLDA, ngày 29/8/2022 của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương về “Phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở công trình: Tượng đài Tiếng sấm đường 5" được xây dựng trên diện tích là 14.828m2, tại phía Nam đường sắt, thuộc thôn Xuân Mang, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Công trình có kinh phí dự toán trên 55,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn xã hội hoá.
          2. Lịch sử di tích
         
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ 2. Nhận thấy đường 5 là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng bậc nhất ở chiến trường Bắc Bộ, chạy qua 4 tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, trong thời gian Pháp xâm lược là vùng tạm chiếm của chúng. Chúng đã lập nhiều đồn bốt, tháp canh, mở nhiều cuộc tuần tra, càn quét dọc tuyến đường này và các vùng phụ cận, gây nhiều tội ác với Nhân dân ta. Nhưng dù “đường số 5 có trăm cái bốt. Dân đường 5 vẫn một lòng son"… đã anh dũng, quật cường đánh cho bọn cướp nước những đòn chí mạng; làm nên “Tiếng sấm đường 5" vang rền.
Mở màn là trận đánh bằng mìn của du kích Vật Cách (Kiến An) tại Quán Toan, Hải Phòng vào cuối tháng 11 năm 1946.
Ngày 03/4/1947, du kích Kim Thành (Hải Dương) do đồng chí Nguyễn Văn Chính, Trung đội phó chỉ huy đã đặt mìn, đánh đổ được 01 đầu tàu, 08 toa tàu và tiêu diệt 50 tên địch tại đoạn đường sắt gần ga Phạm Xá, xã Tuấn Việt.
Ngày 25/4/1947, tại đoạn đường sắt gần làng Lương Xá, xã Kim Liên, trận đánh bằng mìn của quân dân ta đã làm đổ 25 toa xe chở hàng quân sự của địch.
Ngày 6/6/1947, các đồng chí Tăng Bá Liệp, Vũ Văn Hi, Bùi Văn Cảnh cũng dùng mìn lật đổ 01 đoàn tàu gồm 06 toa, làm chết 12 tên và bị thương 20 tên địch.
Ngày 18/01/1948, để tạo khí thế bước sang năm mới, du kích Kim Thành đặt mìn tại đoạn đường sắt gần làng Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên phá hỏng 01 đầu tàu, lật đổ 09 toa xe, diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch.
           Với khẩu hiệu “Không ngừng tiếng súng, không ngừng tiếng mìn trên đường 5 để phối hợp với Điện Biên Phủ", quân dân Hải Dương cùng với quân dân Hải Phòng, Hưng Yên đã kiên cường chiến đấu, bám đất, bám làng, tổ chức nhiều trận đánh mìn trên tuyến đường 5, góp phần tiêu hao lực lượng, vũ khí, phương tiện, ngăn cản sự chi viện của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Được tỉnh giao nhiệm vụ, đêm 04/02/1948 Kim Thành đã huy động dân quân, du kích của 7 xã dọc Quốc lộ 5 dùng mìn đánh một trận “Tổng phá hoại đường sắt" suốt chiều dài 20 km. Đúng 1 giờ, sau 3 tiếng nổ giòn giã làm “hiệu lệnh" phát hoả, hơn 1.000 quả mìn được gài sát đường ray nổ nối tiếp thành một chuỗi âm thanh vang rền như trời long đất lở, rực sáng cả một bầu trời. Cả đoạn đường sắt trên bị phá hỏng
Ngày 10/4/1948, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lí, cán sự Huyện đội Kim Thành, nữ du kích Đinh Thị Nhìn (người làng Cống Khê, xã Kim Liên) lần đầu tham chiến đã dũng cảm giật 01 quả mìn, lật đổ đoàn tàu hoả gồm 01 đầu tàu và 08 toa, diệt và làm bị thương hơn 90 tên địch.
          Trưa ngày 25/7/1948, nữ du kích Nguyễn Thị Xuân (người làng Lai Khê, xã Cộng Hòa, Kim Thành) dùng mìn muỗi diệt 05 tên lính Pháp (gần bốt Liên hiệp Pháp trong sân ga Lai Khê).
          Ngày 05/10/1948, du kích Cẩm Hoàng dùng mìn đánh một trận “thật đẹp" trên đoạn đường sắt Cầu Dê, lật đổ 1 đoàn tàu có 8 toa xe, diệt 250 tên và làm bị thương hơn 100 tên khác. Đây là trận đánh bằng địa lôi diệt nhiều địch nhất trên đường sắt vào thời kỳ đó.
Đúng 01 giờ sáng ngày 02/01/1949, chiến dịch “Tiếng sấm Đường 5" lần thứ hai lại ầm vang suốt 1 giờ liền, phá hoại nhiều đoạn đường sắt, gây thiệt hại nặng nề cho địch.
Ngày 27/3/1949, trên đoạn đường sắt thuộc địa phận làng Lương Xá, xã Kim Liên, du kích Kim Thành lại đặt mìn, lật đổ đoàn tàu, phá huỷ 01 đầu tàu, 08 toa xe, diệt và làm bị thương 20 tên địch…
.           Du kích Kim Thành đã có nhiều sáng kiến đánh mìn trên đường sắt phù hợp với từng thời kỳ. Lúc đầu, ta phải dùng chiến thuật thô sơ là “giật dây". Sau lực lượng du kích Kim Thành đã tìm ra cách đánh mới “mìn điện tự động", không cần người điều khiển, không cần vị trí ẩn nấp ở gần đường, có thể đặt mìn ở bất cứ đoạn nào trong điều kiện thuận lợi. Những hình thức đánh giặc tuy đơn giản nhưng đã góp phần không nhỏ vào phong trào chống thực dân Pháp của Nhân dân cả nước.
            Trận đánh “mìn điện tự động" đầu tiên được du kích Kim Thành đánh thí điểm tại đoạn đường gần ga Phú Thái sáng ngày 28/12/1951, phá huỷ 01 đầu tàu, lật đổ 18 toa xe chở đầy vũ khí, lương thực của địch. Cách đánh này sau đó được áp dụng nhiều nơi, đặc biệt trong thời gian phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ.
            Từ đầu năm 1954, địch thiết lập và củng cố tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để tăng cường cho mặt trận quan trọng này và cho các chiến trường khác trên toàn Đông Dương, thực dân Pháp gấp rút đưa thêm quân từ chính quốc sang, từ Triều Tiên đến. Chúng chở quân bằng đường biển cập bến Hải Phòng, rồi từ Hải Phòng theo đường sắt lên Hà Nội để tung vào các chiến trường. Nhằm bảo vệ đường sắt ở khu vực Phạm Xá, địch đóng đồn cách nhau 600m. Phía Đông ga Phạm Xá là bốt Pháp do một đại đội lính ngụy sĩ quan Pháp chỉ huy, vũ khí có đại liên và tiểu liên, súng trường. Chúng thiết lập hai hệ thống đèn pha chiếu sáng ngược nhau, hệ thống vật cản ở phía Nam đường sắt gồm hàng rào dây thép gai kiểu mái nhà, có gài các loại mìn chống bộ binh M2A1, M16A2 và treo ống bơ để gây tiếng động khi bị va chạm, ngoài hàng rào là một hào rộng 3m, sâu 1,5m chạy từ xóm Măng tới ga.
          Để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, tỉnh đội Hải Dương chỉ thị cho huyện đội Kim Thành tổ chức một trận phục kích đánh mìn trên đường sắt ở địa bàn Kim Thành nhằm tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, phá hủy phương tiện vận tải đường sắt của chúng, tạo thế cho lực lượng du kích hoạt động khống chế đường số 5. Trong quá trình tổ chức và tiến hành trận đánh phải đảm bảo yêu cầu làm sao cho địch không có lý do để tàn sát, khủng bố nhân dân.
          Sau khi nhận chỉ thị của tỉnh đội Hải Dương, Ban chỉ huy huyện đội Kim Thành hạ quyết tâm tổ chức trận phục kích đánh một đoàn tàu chở quân của địch tại khu vực ga Phạm Xá. Phương tiện đánh là khối thuốc nổ, được điều khiển nổ bằng nguồn điện. Phải tổ chức trận địa thật bí mật, bất ngờ, an toàn từ lúc chuẩn bị đến khi kết thúc trận đánh.
          Lực lượng tham gia trận đánh gồm một trung đội do đồng chí huyện đội phó Nguyễn Văn Thòa trực tiếp chỉ huy, có công binh tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, mỗi người được trang bị một khẩu tiểu liên, lượng nổ 100kg, 5 kíp điện có thuốc nổ mồi, 300m dây dẫn điện, 50 quả pin 1,5V đấu nối tiếp. Sau khi nhận nhiệm vụ đồng chí Thòa cùng một cán bộ tiểu đội là người thôn Phạm Xá từ căn cứ Thanh Hà đột nhập vào khu vực ga Phạm Xá trinh sát nắm chắc quy luật tuần tra, canh gác, nghiên cứu địa hình xung quanh, xác định điểm đánh mìn, nơi đặt trạm gây nổ và đường rút lui.
          Đêm 09/01/1954, trung đội đánh mìn từ căn cứ Thanh Hà vượt sông sang địa điểm đã xác định để thiết lập trận địa mìn; các chiến sĩ vừa cảnh giới vừa nhẹ nhàng đào bới chuyển từng xẻng đất ra nơi an toàn, không để rơi vãi, làm xong thì xóa hết dấu vết, ngụy trang thật khéo để ban ngày địch không thấy có gì khả nghi. 4 giờ 30 phút ngày 10/01/1954, quân ta đào xong hố chôn lượng nổ sâu 0,8m, rộng 0,6m, đào xong ta chưa đặt lượng nổ mà tạm chôn một quả mìn giả. Qua theo dõi 5 ngày đêm thấy điểm đánh vẫn an toàn, đồng chí Nguyễn Văn Thòa quyết định cho chôn lượng nổ chính thức gồm 100 kg thuốc nổ, đường dây điện cũng được chôn sâu và ngụy trang kỹ.
          Suốt hơn 2 tuần sau khi chôn mìn, tổ đánh mìn thay nhau giấu mình dưới hầm chịu giá rét, đợi đoàn tàu địch. Trong tổ phân công 2 đồng chí nằm hầm, 3 đồng chí bám sát theo dõi địch, ban đêm cả tổ rút về nghỉ ở chùa Phạm.
          Đúng như dự đoán, đêm 30 rạng sáng ngày 31/01/1954, địch tăng cường lực lượng tuần tra canh gác và mai phục hai bên đường, đồng thời dùng thuốn và máy dò mìn sục sạo khắp khu vực ga Phạm Xá, ban đêm trúng bắn từng loạt đại bác vào các thôn lân cận, đèn pha chiếu sáng rực khắp khu vực ga.
          Đến 07 giờ 30 phút ngày 31/01/1954 như thường lệ có một đoàn tàu chở đá chạy qua, tiếp đó là đoàn tàu chở hành khách, đến 9 giờ 30 là chuyến tàu chở hàng có nhiều toa bịt kín. Ba đoàn tàu đã chạy qua không thấy có quân lính đi cùng, nhưng bọn lính địch làm nhiệm vụ canh phòng bảo vệ vẫn được bố trí cẩn mật ở hai bên đường. Cả tổ phán đoán sắp có một đoàn tàu quan trọng sẽ qua, chắc là chở quân lính.

          Đúng 10 giờ 15 phút có tiếng còi xe lửa từ hướng ga Phú Thái vọng lại, một đoàn tàu tốc hành chở đầy quân lính đang chạy tới, toàn là lính Lê Dương mũ đỏ, trang phục còn mới. 10 giờ 30 phút đúng lúc đoàn tàu lao vào điểm đặt lượng nổ, đồng chí Nguyễn Văn Thòa ra lệnh cho đồng chí Nguyễn Đình Viện đóng mạch điện. Khối thuốc 100 kg nổ rung chuyển cả trời đất, đoàn tàu như con rắn khổng lồ quằn quại, đứt khúc, các toa xô vào nhau ầm ầm, lăn  xuống ruộng, cả khu vực ga Phạm Xá mịt mù khói lửa, quân địch chết ngổn ngang, chồng chất lên nhau.​



Đoàn tàu của thực dân Pháp bị lực lượng du kích
đánh đổ tại ga Phạm Xá (Kim Thành, Hải Dương) ngày 31-1-1954.
(Ảnh tư liệu)

          Kết quả, ta tiêu diệt và làm bị thương 778 tên lính Lê Dương, phá hủy 4 toa xe, lật đổ 4 toa và đầu máy, 20m đường ray bị uốn cong, làm ngưng trệ vận chuyển của địch trên đoạn đường này 4 ngày đêm.
          Với quyết tâm cao, tinh thần chịu đựng gian khổ, coi thường hiểm nguy và kỹ thuật điêu luyện, tổ đánh mìn huyện đội Kim Thành đã đánh một trận xuất sắc tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm chấn động cả vùng Hải Dương, Hải Phòng. Trận đánh đã làm tê liệt việc vận chuyển của địch trên tuyến đường huyết mạch này trong thời gian dài, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường chính Điện Biên Phủ giành thắng lợi đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích trên tuyến đường sắt và đường số 5.
          Theo nhà sử học Tăng Bá Hoành, những người làm nên “Tiếng sấm đường 5" là anh du kích, chị dân quân, chiến sĩ tự vệ, bộ đội địa phương. Với phương châm “lấy thô sơ chống hiện đại; dùng lực lượng nhỏ, thu thắng lợi lớn", chỉ bằng những quả pháo, trái mìn tự chế hoặc cải tiến từ bom cân, đạn đại bác của địch, ta đã tạo nên “Tiếng sấm đường 5" vang rền, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai (1945 - 1954), quân và dân Kim Thành đã đánh 528 trận, trong đó 370 trận bằng mìn, tiêu diệt 10.533 tên địch, bắt sống 610 tên, thu phục 2.061 hàng binh, thu được 486 súng các loại, phá huỷ 36 đầu máy xe lửa, 7.503 toa xe và 19 xe quân sự.
 Góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, bao người con quê hương Hải Dương đã không tiếc thân mình, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Hải Dương có hơn 4.000 quân nhân tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có 402 liệt sĩ và hàng nghìn người đã trở về với những vết thương trên cơ thể. Tên tuổi nhiều anh hùng của mảnh đất Hải Dương mãi được khắc ghi vào lịch sử anh hùng Lê Văn Nổ, nữ du kích Đinh Thị Nhìn, anh hùng Đặng Đức Song, anh hùng Hà Văn Nọa…

Trên đỉnh tượng đài là nhóm nhân vật tượng trưng cho những người con trung kiên đất Hải Dương

Trung đội du kích Kim Thành được Bác Hồ 2 lần gửi thư khen vào tháng 3 và tháng 12/1948. Thư có đoạn viết: “Cảm ơn các chú đã gửi biếu tôi một cái áo mưa lấy của giặc. Quý hơn nữa, là các chú hứa: Luôn luôn cố gắng lấy vũ khí của địch giết địch… Một điều nữa các chú phải luôn luôn nhớ: “Du kích là như cá, nhân dân là như nước"… Du kích Kim Thành được tặng thưởng 02 Huân chương Quân công hạng Ba, hai Huân chương Chiến công hạng Nhất. Chiến sĩ đánh mìn Nguyễn Huy Trường được tặng danh hiệu “Chiến sĩ toàn quốc" năm 1952, Anh hùng LLVT Nhân dân năm 2015; chiến sĩ đánh mìn “Vua mìn đường 5" Nguyễn Văn Thoà được truy tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân" năm 1999 và chiến sĩ đánh mìn Nguyễn Đình Viện được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân" năm 2010… Nhiều chiến sĩ đánh mìn khác được Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng xứng đáng như Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen hoặc ghi tên vào Sổ vàng danh dự, trang sử truyền thống của đơn vị…
         3. Kiến trúc xây dựng
          Để tri ân những đóng góp, hy sinh của bộ đội, du kích… đã ngã xuống trong các chiến dịch đánh mìn trên tuyến đường 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, tháng 8/2024 tỉnh Hải Dương đã khởi công xây dựng công trình tượng đài “Tiếng sấm đường 5" tại thôn Xuân Mang xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành.

Toàn cảnh Quần thể “Tượng đài Tiếng sấm đường 5"

          Di tích được xây dựng với quy mô: Quần thể “Tượng đài Tiếng sấm đường 5" theo Quyết định Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và Quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt gồm: Tượng đài, các công trình phụ trợ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trong đó:
          - Tượng đài được xây dựng theo mẫu phác thảo bước 2 được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 323/QĐ-UBND, ngày 13/9/2019. Bố cục Tượng đài gồm 2 phần: Phần Tượng đài và nhóm tượng nhân vật. Tượng đài được xây dựng bằng chất liệu đá tự nhiên (ghép khối), cao 21,06 m. Phía sau khu tượng đài đắp đồi đất, trồng cây xanh. Dự án còn có các hạng mục khác như bãi đỗ xe, sân hành lễ, bia chứng tích, khu vệ sinh, tường rào, cây xanh, tiểu cảnh...
          - Kết cấu móng cọc bê tông cốt thép mác 300, tiết diện cọc 300 x 300mm. Lõi kết cấu Tượng đài dùng bê tông cốt thép mác 300. Bề mặt tượng đài và nhóm tượng nhân vật dùng đá tự nhiên.
          - Bia dẫn tích: Diện tích xây dựng 13,2m2, chiều cao bia là 1,73m (tính từ cốt mặt sân đặt bia), kết cấu móng bê tông cốt thép mác 250; mặt sân đặt bia lát đá tự nhiên kích thước 400 x 400 x 40mm; bia  dẫn tích gia công bằng đá tự nhiên, đục chạm phù điêu trang trí; chữ gắn trên bia  dẫn tích đúc đặc bằng đồng…

Bia dẫn tích Tượng đài Tiếng sấm đường 5​
          Công trìnhTượng đài tiếng sấm đường 5 hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 12 năm 2024 để phục vụ nhân dân trong huyện, trong tỉnh và du khách thập phương tham quan, khai thác, tìm hiểu...